Lợi ích kép từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng ở tỉnh Bình Phước

Thứ hai - 23/10/2023 10:41 902 0
Sau 10 năm thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) trên địa bàn tỉnh Bình Phước đã góp phần nâng cao nhận thức về bảo vệ và phát triển rừng, bảo vệ môi trường. Đồng thời, tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho hàng trăm hộ dân, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số thông qua việc nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng.
Thoát nghèo nhờ giữ rừng

Gia đình anh Điểu Ganh, thôn Bù Dốt, xã Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập trước đây trong diện hộ nghèo của xã, vườn rẫy ít lại đông con. Hai vợ chồng làm thuê quanh năm cũng bữa đói bữa no và cái nghèo cứ đeo bám gia đình. Trước cuộc sống quá khó khăn nên cách nay hơn 10 năm, anh Điểu Ganh xin vào cộng đồng nhận khoán bảo vệ Vườn quốc gia Bù Gia Mập (VQG Bù Gia Mập). Đi tuần tra bảo vệ rừng được khoảng 3 năm, có nguồn thu nhập tăng thêm khá, nhờ đó gia đình anh Điểu Ganh đã thoát nghèo và cuộc sống dần ổn định. “Trước đây nhà tôi nghèo lắm. Nhiều lúc phải đi vay tiền về xài. Cũng may nhà nước nhận vào đi giữ rừng nên cuộc sống giờ đỡ vất vả hơn” – anh Điểu Ganh nói.

 
Cộng đồng nhận khoán bảo vệ rừng thôn Bù Dốt, xã Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập đi tuần tra rừng đặc dụng VQG Bù Gia Mập

Tương tự, trước đây gia đình anh Điểu Chrâm, thôn Bù Dốt, xã Bù Gia Mập cũng rất khó khăn, cha mất sớm, mẹ già yếu, thường xuyên bệnh nên quanh năm anh Chrâm phải đi làm thuê kiếm tiền trang trải cuộc sống. Thấy vậy, anh Điểu Vi Rút, Tổ trưởng Tổ bảo vệ rừng cộng đồng thôn Bù Dốt đã kêu gọi anh tham gia cộng đồng và hiện đã có cuộc sống ổn định. “Có cuộc sống ổn định như hôm nay là nhờ các anh, các chú giới thiệu đi giữ rừng. Vào cộng đồng tôi mới dám lấy vợ vì trước nghèo đâu dám cưới” – anh Chrâm nói.
 
Cộng đồng nhận khoán bảo vệ rừng thôn Bù Dốt, xã Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập đi tuần tra rừng đặc dụng VQG Bù Gia Mập
 
Không chỉ các hộ nghèo tham gia cộng đồng giữ rừng rồi thoát nghèo, cá biệt có những hộ khá giả cũng tham gia. Bởi họ được sinh ra từ rừng nên giờ đây họ xem việc giữ rừng như trách nhiệm đối với thiên nhiên, xem phá rừng là tội ác. Điển hình như gia đình anh Điểu Vi Rút là hộ giàu của xã cũng tham gia giữ rừng từ năm 2006. Anh có gần 8 ha điều, xe hơi, nhà cửa khang trang với đầy đủ tiện nghi. Cạnh nhà anh Điểu Vi Rút không xa, là hộ anh Điểu Vơn cũng có cuộc sống khá giả. Anh có 5 ha điều, 2 ha cao su đang cho mủ nhiều, có xe hơi, có nhà cửa rộng rãi nhưng cũng gia nhập cộng đồng.

Ông Vương Đức Hòa, Giám đốc Ban quản lý VQG Bù Gia Mập cho biết, hầu hết diện tích rừng của VQG Bù Gia Mập (hơn 25.600ha) được giao khoán cho các cộng đồng thôn bản và các đơn vị bộ đội đóng chân trên địa giới hành chính của vườn. Hiện có 10 cộng đồng nhận khoán với gần 600 hộ, chủ yếu là người S’tiêng, M’Nông ở các xã Đắk Ơ, Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập và xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông, nhận quản lý bảo vệ 17,311ha rừng và các đồn biên phòng trên địa bàn tỉnh nhận quản lý bảo vệ 3,688ha rừng.

Góp phần bảo vệ môi trường

Ông Nguyễn Văn Long, Phó Giám đốc Qũy Bảo vệ và Phát triển rừng thuộc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Phước cho biết, chính sách chi trả DVMTR được đơn vị triển khai trên địa bàn tỉnh từ năm 2013, được xem là một trong những chính sách đột phá trong bảo vệ và phát triển rừng bởi chuyển hướng tiếp cận từ chỗ dựa hoàn toàn vào ngân sách sang huy động các nguồn vốn ngoài ngân sách và xã hội hóa cho việc quản lý và bảo vệ, phát triển rừng bền vững.
 
Cộng đồng nhận khoán bảo vệ rừng thôn Bù Dốt, xã Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập đi tuần tra rừng đặc dụng VQG Bù Gia Mập
 
Việc chi trả tiền DVMTR đã trực tiếp giúp nhiều chủ rừng trong tỉnh có kinh phí để triển khai công tác bảo vệ rừng; các chủ rừng và các hộ nhận khoán rừng có thêm thu nhập cải thiện đời sống. “Chính sách chi trả DVMTR không những tạo nguồn tài chính góp phần đầu tư trực tiếp vào việc bảo vệ và phát triển rừng, giảm gánh nặng ngân sách cho Nhà nước, thực hiện tốt chủ trương xã hội hóa nghề rừng mà còn góp phần nâng cao nhận thức của người dân trong việc phát triển tài nguyên rừng, cải thiện môi trường sống, hạn chế các hành vi gây tổn hại đến rừng góp phần nâng cao chất lượng DVMTR” – ông Long nói.

Theo kết quả thu tiền dịch vụ môi trường rừng năm 2013 hơn 14 tỷ đồng, đến năm 2022 tổng thu tiền DVMTR  hơn 55 tỷ đồng. Theo kế hoạch, năm 2023, tổng nguồn thu tiền DVMTR hơn 39,3 tỉ đồng. Từ đầu năm đến nay đã thu hơn 20,3 tỉ đồng, chi hơn 9,8 tỉ đồng tiền DVMTR. Nguồn thu tiền dịch vụ tăng qua các năm  vì vậy mức chi trả 1 ha rừng cũng tăng lên. Cụ thể, mức chi trả  năm 2013 mà Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng chi trả cho các chủ rừng hơn 200.000 đồng/ha rừng,  nhưng tới năm 2022 có khu vực được chi trả tiền DVMTR hơn 787.000 đồng/ha. Mức chi trả DVMTR tăng lên giúp bình quân thu nhập của người dân làm nghề rừng trên địa bàn tỉnh cũng tăng lên nhiều. Từ đó tạo niềm vui và phấn khởi cho người dân cũng như tạo động lực để người dân gắn bó, bảo vệ rừng, nâng cao tỷ lệ che phủ rừng, bảo vệ diện tích rừng tái sinh.
 
Cộng đồng nhận khoán bảo vệ rừng thôn Bù Dốt, xã Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập dừng chân nghỉ giữa rừng đặc dụng VQG Bù Gia Mập trong quá trình tuần tra
 
Theo ông Nguyễn Văn Long, với mức chi trả DVMTR như hiện nay (trung bình từ 600.000 - 700.000 đồng/ha/năm) thì một hộ dân sẽ nhận từ 20-25 triệu đồng/năm. Nếu mỗi hộ gia đình bình quân 5 người thì mỗi người sẽ được nhận bình quân từ 4-5 triệu đồng/năm. “Số tiền DVMTR được nhận chiếm khoảng 30% trong cơ cấu thu nhập của một hộ dân. Nếu xét về giá trị sử dụng thì nguồn thu nhập này không cao so với mức biến động giá cả thị trường nhưng thật sự có ý nghĩa với người lao động nghề rừng bởi nguồn tiền này có tác động bổ sung vốn đầu tư sản xuất giúp cải thiện sinh kế” – ông Long nói.

Chính sách chi trả DVMTR đã đẩy mạnh công tác xã hội hoá nghề rừng, huy động các nguồn lực là các hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư tham gia bảo vệ diện tích rừng hiện có, phát huy tối đa lợi thế của rừng. Nhờ vậy những năm gần đây tình trạng vi phạm về đất rừng, tài nguyên rừng giảm đi nhiều. Năm 2022 tình trạng chặt phá rừng lấn chiếm rừng trái pháp luật  trên địa bàn tỉnh chỉ xảy ra 15 vụ vi phạm pháp luật; ngăn chặn khai thác, vận chuyển mua bán, chế biến lâm sản trái pháp luật trong năm 2022 xảy ra 39 vi phạm, giảm 11 vụ so với cùng kỳ năm 2021. Đối với công tác phòng chống cháy rừng, năm 2022 trên địa bản tỉnh không xảy ra tình trạng cháy rừng cũng như vi phạm về phòng chống cháy và chữa cháy rừng. 
 
“Từ những kết quả thực tiễn đã minh chứng cho thấy, chính sách chi trả tiền  DVMTR đã góp phần tạo công ăn, việc làm, cải thiện sinh kế, giúp người dân gắn bó với rừng, giảm tình trạng phá rừng, khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép trên địa bàn tỉnh,  từ đó tài nguyên rừng được bảo vệ, phát triển tốt hơn” – Ông Nguyễn Văn Long, Phó Giám đốc Qũy Bảo vệ và Phát triển rừng cho biết.

Tác giả: Thanh Trúc

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

lịch làm viec
tai lieu sinh hoat cb
Tài liệu chỉ thị 05
Sổ tay đảng viên điện tử
Fanpage Tuyên Giáo BP
OAZALO
hien ke BP
Văn bản mới

1493-CV/BTGTU

Công văn số 1493-CV/BTGTU về định hướng công tác tuyên truyền tháng 9.2024

lượt xem: 84 | lượt tải:41

1494-CV/BTGTU

Công văn số 1494-CV/BTGTU tuyên truyền giải báo chí toàn quốc phòng chống tham nhũng, tiêu cực

lượt xem: 59 | lượt tải:33

118-HD/BTGTU

Hướng dẫn tuyên truyền Đại hội đại biểu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh lần thứ X tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024-2029

lượt xem: 438 | lượt tải:208
Lịch su đang bo BP
DIA CHI
lich su tuyen giao
Thống kê
  • Đang truy cập194
  • Hôm nay40,763
  • Tổng lượt truy cập12,206,229
Liên kết
QC_csln
qc_cspr
QC_csdp
QC_CSSB
QC_BHXH
Cty dien luc
QC-thue
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây