Xác định hệ giá trị đặc trưng văn hóa, con người Bình Phước
LH
2024-10-10T09:40:41-04:00
2024-10-10T09:40:41-04:00
http://tuyengiaobinhphuoc.org.vn/van-hoa-van-nghe-31/xac-dinh-he-gia-tri-dac-trung-van-hoa-con-nguoi-binh-phuoc-2877.html
http://tuyengiaobinhphuoc.org.vn/uploads/news/2024_06/5555555555555.png
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Phước
http://tuyengiaobinhphuoc.org.vn/uploads/logo-btg.png
Sau ngày đất nước thống nhất, người dân từ khắp mọi miền đất nước đến vùng đất Bình Phước sinh sống, lập nghiệp ngày càng nhiều với 41 thành phần dân tộc, tạo nên sự giao thoa văn hóa giữa các dân tộc, vùng, miền. Những trầm tích văn hóa kết tinh trong các giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể cùng những phẩm chất đặc trưng, cốt cách con người Bình Phước đã góp phần làm phong phú, đa dạng nền văn hóa của dân tộc Việt Nam. Từ những nền tảng đó, Bình Phước đang hướng tới mục tiêu xây dựng và phát triển văn hóa “đa dạng, bản sắc, hội nhập”, xây dựng con người “hòa hợp, nghĩa tình, tự cường, kỷ cương, sáng tạo”.
Quyết tâm thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, đặc biệt là thực hiện những ý kiến chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Bình Phước đã có thời gian gần 02 năm để đánh giá, nhìn nhận, “định vị” một cách toàn diện sự nghiệp xây dựng văn hóa, con người trong chặng đường hơn 25 năm tái lập tỉnh và tổ chức thành công Hội nghị Văn hóa tỉnh Bình Phước năm 2023.
Bình Phước là tỉnh đầu tiên của miền Nam tổ chức hội nghị văn hóa tỉnh (hình minh họa)
Từ quá trình tổng kết thực tiễn, phát huy trí tuệ của cả hệ thống chính trị trong tỉnh và tiếp thu, hoàn chỉnh ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu về văn hóa tại Hội nghị Văn hóa tỉnh, ngày 20-11-2023, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bình Phước đã ban hành Nghị quyết số 14-NQ/TU về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Bình Phước đến năm 2030, định hướng đến năm 2045. Lần đầu tiên Đảng bộ tỉnh Bình Phước có nghị quyết chuyên đề riêng về văn hóa, là 01 trong 03 tỉnh đầu tiên trong cả nước ban hành nghị quyết chuyên đề về văn hóa sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc.
Với quan điểm con người là trung tâm, chủ thể, nguồn lực quan trọng nhất và mục tiêu của sự phát triển; lấy giá trị văn hóa, con người làm nền tảng, sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững, Đảng bộ tỉnh Bình Phước tiếp tục khẳng định quan điểm “văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước, nhưng phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội”. Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Bình Phước đặt trong mối quan hệ tổng thể, toàn diện; phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hóa. Đặc biệt, trong xây dựng văn hóa, trọng tâm là chăm lo xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp. Xây dựng văn hóa trong Đảng và hệ thống chính trị; xây dựng văn hóa công vụ, đạo đức công vụ, chú trọng sự nêu gương của cán bộ, đảng viên. Xây dựng đồng bộ môi trường văn hóa, trong đó chú trọng vai trò của gia đình, cộng đồng. Đồng thời khẳng định, nhiệm vụ của xây dựng và phát triển văn hóa, con người là sự nghiệp của toàn dân do Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân là chủ thể sáng tạo, đội ngũ văn nghệ sĩ, trí thức giữ vai trò quan trọng.
Nghị quyết số 14-NQ/TU của Đảng bộ tỉnh đặt ra mục tiêu đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 sẽ xây dựng và phát triển văn hóa Bình Phước vừa đậm đà giá trị văn hóa dân tộc, vừa giàu có bản sắc địa phương, chú trọng tới các đặc tính “đa dạng, bản sắc và hội nhập”. Chăm lo xây dựng con người Bình Phước phát triển toàn diện, có đầy đủ những phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam, chú trọng tới các đặc tính “hòa hợp, nghĩa tình, tự cường, kỷ cương, sáng tạo”. Hòa hợp là thể hiện tinh thần đoàn kết, hợp lại thành một khối thống nhất và sự hài hòa trong quan hệ xã hội. Nghĩa tình là thể hiện tinh thần nhân ái, thành thật, yêu thương, chia sẻ và sống tốt với nhau. Tự cường là thể hiện ý chí vươn lên, có khát vọng và niềm tin để phát triển đất nước, địa phương, cơ quan, gia đình và bản thân. Kỷ cương là thể hiện nhận thức sống và làm việc theo Hiến pháp và phát luật, chấp hành tốt các quy định của Đảng và của tổ chức; sống trong sạch, không tham nhũng, tiêu cực và không tiếp tay, tạo điều kiện cho tham nhũng, tiêu cực. Sáng tạo là thể hiện tư duy, phong cách và năng lực làm việc hướng tới tạo ra những giá trị mới về chất, tạo động lực cho sự phát triển hiệu quả của địa phương, đơn vị và cá nhân trên các lĩnh vực.
Về mặt nhận thức, có thể thấy rằng, hệ giá trị về văn hóa, con người Bình Phước đã được xác định một cách rõ ràng, cụ thể trên cơ sở kế thừa các phẩm chất văn hóa tốt đẹp của con người Việt Nam, đó là sự đa dạng, bản sắc và hội nhập, là sự kết hợp văn hóa tinh hoa của nhân loại với giá trị văn hóa truyền thống, bản sắc của dân tộc Việt Nam “yêu nước, tinh thần đoàn kết, cần cụ, chịu khó, thông minh, sự đa dạng và thống nhất trong văn hóa”. Đồng thời, Nghị quyết cũng đặt ra mục tiêu phát huy các đặc tính nổi trội của người Bình Phước “hòa hợp, nghĩa tình, tự cường, kỷ cương, sáng tạo”.
Nghị quyết thể hiện sự quyết tâm lớn, nỗ lực bền bỉ của cả hệ thống chính trị, sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Bình Phước, là cơ sở tạo nên những bước chuyển biến quan trọng, từ nhận thức đến hiệu quả hành động trong những năm tiếp theo.