Nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò của công tác này, thời gian qua, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã hướng dẫn các Trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng giảng dạy lý luận chính trị, coi đây là nhiệm vụ quan trọng trong công tác xây dựng Đảng. Trên tinh thần đó Trường Chính trị tỉnh Bình Phước đã ban hành Kế hoạch số 38-KH/TCT ngày 28 tháng 10 năm 2019 về triển khai thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Kế hoạch được triển khai thực hiện nghiêm túc với nhiều nhóm giải pháp từ tuyên tuyền, nghiên cứu khoa học, đến giảng dạy và học tập…Nhờ vậy, công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng ở Trường có chuyển biến tích cực. Trong phạm vi bài viết chỉ đề cập đến: kết quả giảng dạy lý luận chính trị gắn với bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; tồn tại hạn chế và giải pháp nâng cao chất lượng giảng dạy lý luận chính trị gắn với bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng tại trường Chính trị tỉnh Bình Phước trong thời gian tới.
1. Kết quả nâng cao chất lượng giảng dạy thời gian qua được xem xét trên một số mặt cơ bản như:
Thứ nhất, xác định mục tiêu giảng dạy: xác định rõ mục tiêu tăng cường kết hợp giảng dạy lý luận với giáo dục về nhiệm vụ, giải pháp bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Cụ thể hóa việc lồng ghép nội dung Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị vào nội dung chương trình của các phần học ở các lớp đào tạo, bồi dưỡng được thực hiện khá tốt. Nhà Trường đã xây dựng và đưa vào chương trình giảng dạy thuộc phần V.1. Thực tiễn và kinh nghiệm, xây dựng, phát triển địa phương trong chương trình Trung cấp lý luận chính trị 01 chuyên đề “Công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới ở địa phương” 08 tiết. Giáo trình phần học này được in và phát hành phục vụ đầy đủ theo yêu cầu thực tế của học viên. Năm 2021, Nhà trường đã xây dựng và tổ chức nghiệm thu 01 tài liệu bồi dưỡng phục vụ Lớp bồi dưỡng “Công tác đấu tranh, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch”.
Thứ hai, Các lớp đào tạo, bồi dưỡng thực hiện nghiêm túc nội dung, thời gian chương trình theo quy định; đã kịp thời cập nhật nội dung các nghị quyết, chỉ thị mới của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Từ yêu cầu làm rõ giá trị lý luận từng nội dung bài, tính thực tiễn trong mỗi bài giảng củng được khai thác một cách có chọn lọc, đúng theo đối tượng, chủ đề tránh trùng lắp. Đối với từng giáo án, bài giảng tùy theo nội dung và thời lượng giảng đều có thể hiện nội dung thực hiện Nghị quyết số 35 của Trung Ương. Đặc biệt phần phản biện và đấu tranh tư tưởng được thảo luận, cân nhắc, và thống nhất ở một mức độ nhất định cho mỗi nội dung được chọn sinh hoạt chuyên môn.
Trường Chính trị tỉnh tổ chức tọa đàm khoa học với chủ đề “Vai trò của Trường Chính trị trong công tác đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, góp phần tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên địa bàn tỉnh Bình Phước”. Ảnh: Báo Bình Phước online
Thứ tư, ngoài nội dung giảng dạy trên lớp thì việc bảo vệ, phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên lĩnh vực tư tưởng, lý luận còn được thực hiện qua sinh hoạt chuyên môn của các khoa, trong việc xây dựng câu hỏi, tình huống phục vụ thảo luận, thi hết phần, thi tốt nghiệp.
2. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, chất lượng giảng dạy lý luận chính trị gắn với bảo vệ nền tảng tư tưởng cảu Đảng vẫn còn số một tồn tại, chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra. Việc lồng ghép các quan điểm sai trái, thù địch vào bài giảng chưa được đầu tư một cách hệ thống, tính chiến đấu trong bài giảng chưa cao; Phương pháp giảng dạy đôi khi còn nặng về truyền thụ truyền thống, các tiết thảo luận trên lớp giúp học viên nhận diện và phản bác các quan điểm sai trái, thù địch chưa được thực hiện có hiệu quả; Vẫn còn tình trạng một số học viên có thái độ thờ ơ, chưa quan tâm nhiều đến nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Ý thức, thái độ học tập của học viên chưa cao, trên lớp sao nhãng việc nghe giảng.
3. Để nâng cao chất lượng giảng dạy lý luận chính trị gắn với bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới, cần thực hiện tốt các giải pháp sau:
Một là, Cần có sự thống nhất về mặt nhận thức tính cấp thiết về việc nâng cao chất lượng giảng dạy lý luận chính trị gắn với bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Từ đó xây dựng tiêu chí và cách thức triển khai đánh giá chất lượng giảng dạy gắn với việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.
Cần xác định nội dung nghiên cứu, giảng dạy lý luận chính trị góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng hướng đến các mục tiêu: đầu tiên là khẳng định và cụ thể hoá những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, các giá trị bền vững phù hợp với thực tiễn của Việt Nam; chỉ rõ những vấn đề cần bổ sung, phát triển. Tiếp tục nghiên cứu có hệ thống tư tưởng Hồ Chí Minh, làm rõ sự bổ sung, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin của Hồ Chí Minh…; nghiên cứu, phân tích, chứng minh sự vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh của Đảng trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng CNXH. Định hướng vận dụng sáng tạo lý luận vào thực tiễn; nhận diện những cách hiểu sai, hiểu chưa đầy đủ, những quan điểm sai trái thù địch,…
Để đạt mục tiêu của chương trình giảng dạy, đòi hỏi phải thực hiện sự đổi mới đồng bộ tất cả các khâu từ thống nhất cách soạn giáo án, giảng bài, đánh giá giáo án, giờ giảng; đến việc thảo luận, xây dựng đề thi, tổ chức thi, đánh giá kết quả học tập. Đổi mới theo hướng lượng hóa rõ các mục tiêu cần đạt được nhằm gắn việc giảng dạy với bảo vệ nền tảng tư tưởng, điều đó thể hiện trong mục tiêu, nội dung, phương pháp giảng, nội dung thảo luận, ngân hàng câu hỏi thi, trong phiếu đánh giá xếp loại giáo án, giờ giảng.
Hai là, đổi mới nội dung và phương pháp giảng dạy lý luận sao cho sát với thực tế, ngang tầm tri thức khoa học hiện đại. Nghiên cứu có tính hệ thống học thuyết Mác- Lênin, những học thuyết chính trị tư sản, cùng với thực tiễn phát triển của các nước làm cơ sở khẳng định tính khoa học của học thuyết Mác-Lênin, qua đó đấu tranh có hiệu quả quan điểm sai trái, thù địch.
Trong đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng hiện nay, công tác nghiên cứu, giảng dạy LLCT sẽ không thể đạt hiệu quả cao nếu chỉ hiểu mơ hồ, hiểu không chắc chắn về chủ nghĩa tư bản và các học thuyết chính trị tư sản hiện đại. Ngày nay chủ nghĩa tư bản có những biểu hiện mới về mức độ bao phủ toàn cầu, thành tựu to lớn trong giải phóng và phát triển sức sản xuất, phát triển khoa học-công nghệ; điều chỉnh chế độ phúc lợi xã hội... thể hiện tiềm năng tiếp tục phát triển. Tuy vậy, “chủ nghĩa tư bản vẫn không thể khắc phục được những mâu thuẫn cơ bản vốn có của nó”(3)
Nhận thức mới về bản chất và biểu hiện của chủ nghĩa tư bản ngày nay là căn cứ lý luận khoa học quan trọng để củng cố niềm tin vào việc lựa chọn con đường quá độ lên chủ nghĩa xã hội và xác định nội dung chính của mô hình chủ nghĩa xã hội mà Việt Nam cần xây dựng, đồng thời đối chiếu, so sánh, tìm ra căn cứ để đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch là hướng đi hiệu quả góp phần bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng.
Ba là, Phát huy vai trò của các khoa trong việc chủ động tổ chức sinh hoạt chuyên môn gắn với bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
Sinh hoạt chuyên môn tổ chức từ phạm vi ở khoa hoặc có thể phối hợp với các khoa, phòng khác nhằm hướng đến giải quyết những vấn đề chuyên môm chung như thống nhất về cách thức lồng ghép nội dung bảo vệ nền tảng tưởng trong soạn giáo án giảng bài, hay giáo án thảo luận. Sinh hoạt chuyên môn là điều kiện để giảng viên thống nhất nhận thức về việc nâng cao chất lượng giảng dạy gắn với bảo vệ nền tảng tư tưởng trong tất cả các công đoạn của quá trình giảng dạy. Đây là dịp để giảng viên thảo luận các vấn đề xoay quanh mục tiêu cải thiện chất lượng giảng dạy. Phát huy trí tuệ tập thể để lựa chọn nội dung, phương pháp, đến việc thảo luận và định hướng tuyên truyền vận dụng thông tin thời sự trong bài giảng, đến thống nhất trong truyền đạt nhận diện các quan điểm sai trái, thù địch trong nội dung các bài, các phần học.
Bốn là, Đổi mới phương pháp đánh giá kết quả học tập của học viên
Chương trình Trung cấp LLCT vốn rất đặc thù, đối tượng học cũng rất đặc thù, đa dạng về trình độ, lứa tuổi và tâm lý,… Do đó, đề thi cần đa dạng, có thể sử dụng nhiều hình thức thi khác nhau, từ vận dụng mang tính phân tích, tổng hợp, giải quyết tình huống đến vấn đáp, trắc nghiệm, tự luận … Cần sử dụng nhiều hơn về số lượng và đa dạng hơn về loại câu hỏi từ dễ đến khó hướng đến giải quyết những vấn đề thực tiễn, trong đó có nội dung về bảo vệ nền tảng tư tưởng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Điều chỉnh cơ cấu điểm cho phần vận dụng, phần phản biện quan điểm trái một cách hợp.
Năm là, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên lý luận chính trị tham gia vào công tác đấu tranh, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Yêu cầu đặt ra hiện nay là phải xây dựng đội ngũ giảng viên lý luận chính trị bảo đảm về số lượng, chất lượng, về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống; có chuyên môn, nghiệp vụ cũng như năng lực hành động, tổng kết thực tiễn. Giảng viên phải hiểu biết sâu sắc về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, về đường lối, quan điểm chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam; tuyệt đối trung thành, kiên định về lập trường, tư tưởng chính trị, vững vàng, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng; gương mẫu, tiên phong trong công tác, …
Phát huy vai trò của giảng viên trong truyền lửa đến người học nhằm xây dựng tuyên truyền viên, cộng tác viên dư luận xã hội trong việc tăng cường thông tin về cơ sở, tham gia nắm bắt dư luận xã hội, tuyên truyền, giải thích rõ các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và kịp thời phát hiện các gương điển hình tiên tiến, những cách làm hay, sáng tạo; kịp thời uốn nắn những đơn vị, tổ chức, cá nhân làm chưa tốt trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là một sự nghiệp khó khăn, phức tạp, đòi hỏi phải có sự vào cuộc cả hệ thống chính trị - xã hội; trong đó, đội ngũ giảng viên lý luận chính trị có vai trò đặc biệt quan trọng. Đây là sự nghiệp cách mạng, đòi hỏi bản lĩnh, sự bền bỉ, kiên quyết, kiên trì, lâu dài, thường xuyên, liên tục. Giảng viên cần không ngừng học tập, nghiên cứu, đổi mới giảng dạy để nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy gắn với bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”./.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện 5 năm thực hiện Nghị quyết 35-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị khóa XII (2018-2023)
- Kế hoạch số 38-KH/TCT ngày 28 tháng 10 năm 2019
- Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb CTQGST, Hà Nội, 2022, tr.19.
- Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị “về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch”.