Bác Hồ với công tác tuyên truyền

Thứ bảy - 20/08/2022 10:20 5.112 0
Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định tuyên truyền là công cụ quan trọng để tạo ra lực lượng mới hùng mạnh cho cách mạng, nên Người rất quan tâm đến việc làm tốt công tác tuyên truyền.
Theo Người, muốn phát huy được sức mạnh tổng hợp của toàn dân thì công tác tuyên giáo cần xem trọng tất cả các đối tượng tuyên truyền. Muốn cho công tác tuyên truyền, huấn luyện thành công cán bộ tuyên giáo phải nhận thức sâu sắc về vai trò quan trọng của tất cả các đối tượng và luôn đề cao sự góp sức của toàn thể đồng bào, không phân biệt giới tính, dân tộc, thành phần xã hội.

Tuyên truyền được hiểu là tuyên truyền cách mạng. Tuyên truyền cái gì? Tuyên truyền như thế nào? Tuyên truyền để làm gì? Tuyên truyền cho ai? Ai có thể tuyên truyền? v.v.. là những câu hỏi mà những người làm công tác tuyên giáo phải luôn luôn nắm vững để trả lời có chất lượng mọi lúc, mọi nơi, mọi hoàn cảnh. Những câu hỏi này được Hồ Chí Minh nêu lên từ thập kỷ bốn mươi và thông qua lý luận - thực tiễn, Người đã đem lại những câu trả lời thuyết phục, đến nay vẫn vẹn nguyên giá trị soi sáng công tác tuyên truyền nói riêng, tuyên giáo nói chung.
 
Để hoàn thành nhiệm vụ công tác tuyên giáo, tuyên truyền phải giản đơn, rõ ràng, cụ thể, thiết thực, đúng chỗ, đúng lúc. Tuyên truyền là để người dân hiểu, dân tin và làm được. Phải tuyên truyền cả lý luận và công tác. Tuyên truyền lý luận là dạy chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước. Tuyên truyền công tác là làm cho người dân hiểu vì sao phải làm những công việc đó? Làm những gì? Làm như thế nào? Tất cả nhằm đem lại lợi cho dân và tránh hại cho dân. Những câu hỏi nêu trên phải được cụ thể hóa, hiện thực hóa. Bác dạy: “Các chú phải tự hỏi, tự trả lời. Chứ không phải chờ trên gửi tài liệu xuống, rồi theo một, hai, ba, bốn mà làm”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm và huấn thị cho cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân tháng 12/1961 (ảnh Tư liệu)

Bác phê bình những người làm công tác tuyên truyền chỉ nói nào là làm “cách mạng xã hội chủ nghĩa”, nào là “tiến lên chủ nghĩa xã hội”, nào là “xây dựng chủ nghĩa xã hội” làm cho đồng bào khó hiểu, ít người hiểu. Bác nhắc lại câu chuyện đồng chí Đimitơrốp kể: Khi ở Đức có bãi công, Đảng cử người đến tuyên truyền. Đáng lẽ người tuyên truyền phải nói bãi công thế nào, thì lại nói chủ nghĩa Mác là gì, thặng dư giá trị là gì. “Như thế là nói không đúng chỗ, không thiết thực. May mà đồng chí đó không bị quần chúng ném đá. Tuyên truyền như thế không ăn thua gì cả”.
 
Hiện nay, những chứng bệnh đó vẫn tồn tại với những biểu hiện, mức độ đậm nhạt, cao thấp khác nhau. Điểm giống nhau của các căn bệnh trước và nay là tuyên truyền không đúng lúc, đúng nơi, không cụ thể, không thiết thực, không tỏ rõ được tư tưởng, tâm tư, nguyện vọng và đòi hỏi của các tầng lớp nhân dân. Chẳng hạn, "khơi dậy khát vọng phát triển đất nước” là một điểm nhấn trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Nhưng nếu tuyên truyền chỉ nhắc lại hai từ “khát vọng” thì không “thuộc bài”, “đúng bài” tuyên giáo. Đó là cách nói chung chung, kiểu “hội trường” mà Bác đã nhiều lần phê bình: “Không phải tuyên truyền để mà tuyên truyền, huấn luyện để mà huấn luyện”. Cái người dân cần là phải nói làm sao thiết thực, dễ hiểu, để người ta hiểu được, hiểu để làm. Tức là phải biết cách tuyên truyền. Nhiều tỉnh nói về tiềm năng, khát vọng phát triển, phải đạt tỉnh khá, tỉnh giàu, kiểu mẫu là cần thiết, nhưng tuyên truyền là phải cắt nghĩa, phân tích được vì sao hiện nay nói và nhấn mạnh những điều đó? Phát triển cái gì? Phát triển đến đâu? Theo hướng nào, bằng cách nào? Tuyên truyền phải rất thực tiễn thì mới thực hiện được khát vọng. Tuyên truyền đừng để người dân hiểu sai về cái đúng, hiểu xấu về cái tốt, cái đẹp của khát vọng thành “phong trào khát vọng”, “hội chứng khát vọng”.
 

Bác Hồ nói chuyện với các giáo sư, cán bộ giảng dạy các trường ĐH và THCN, tháng 12-1958 (ảnh Tư liệu)

Trong công tác tuyên truyền, cán bộ là khâu quyết định thành công, nhưng theo Chủ tịch Hồ Chí Minh điều quan trọng nhất ở mỗi cán bộ tuyên truyền lại là đạo đức. Bác căn dặn cán bộ phải có tình yêu thương và nhiệt tình cách mạng. Lý tưởng cao đẹp ấy sẽ là ngọn đèn soi đường dẫn lối, nhắc nhở cán bộ trong mỗi việc làm không chỉ dừng lại ở việc biết làm tròn trách nhiệm, mà còn cần hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Người nói: “Tuyên truyền huấn luyện phải xuất phát từ chỗ nào? Xuất phát từ nhiệt tình cách mạng, tình thương yêu chân thành đồng bào các dân tộc, từ tinh thần hết lòng phục vụ đồng bào các dân tộc. Có như thế, mới tìm ra cái đúng, cái hay mà làm”.

 Nếu cán bộ tuyên truyền thiếu tinh thần ấy, sẽ mất đi sự đồng tình, ủng hộ của quần chúng, không những không đạt được mục đích tuyên truyền mà có khi còn gây tác dụng ngược lại. Người tin tưởng nếu có tình yêu thương đồng chí, đồng bào chân thành, có nhiệt tình cách mạng, những cán bộ làm công tác tuyên truyền chắc chắn sẽ phải trăn trở suy nghĩ, tìm tòi phương pháp tuyên truyền cụ thể, thiết thực, “không phải tuyên truyền để mà tuyên truyền, huấn luyện để mà huấn luyện”. Và chỉ khi hết lòng yêu thương nhân dân, cán bộ tuyên truyền mới thật sự là một phần của quần chúng, mới hiểu sâu sắc những thiếu thốn, những ước mong của quần chúng để báo cáo lại với Đảng, với Chính phủ tìm cách giúp đỡ nhân dân. Cuối cùng, để cán bộ yên tâm công tác, không vì chủ quan nóng vội mà làm ẩu cho xong việc, Bác căn dặn: “Tuyên huấn phải làm, mà làm phải bền bỉ liên tục, làm dần dần, chứ không thể chủ quan nóng vội, muốn làm hết ngay một lúc”, “Cố nhiên không phải làm một ngày, một buổi mà phải làm từng bước, làm bước nào chắc chắn bước ấy” . Bên cạnh đó, để làm tốt công tác chăm lo cho đời sống của đồng bào cũng như củng cố phát triển tốt Đảng, Đoàn thanh niên, Bác nhắc nhở cán bộ, đảng viên phải tránh thói công thần, phải khắc phục những tư tưởng dân tộc lớn, dân tộc hẹp hòi, tự ti dân tộc, phải xây dựng nội bộ phải đoàn kết chặt chẽ từ tỉnh, huyện đến xã. Sự quan tâm, chỉ bảo, động viên của Bác đã trở thành nguồn sức mạnh tinh thần to lớn, nhắc nhở cán bộ tuyên truyền, dù ở nơi miền núi rừng thiêng nước độc hay trên những tuyến lửa ác liệt, mưa bom bão đạn vẫn luôn vững tin vào bản thân và con đường mình lựa chọn “tin vào mình, tin Đảng, tin giai cấp, tin nhân dân mình”.
 
Bác Hồ về thăm quê lần thứ nhất, tháng 12/1957 (ảnh Tư liệu)

Tuyên truyền không phải nhắc lại Văn kiện của Đảng, Nhà nước, mà phải làm cho quan điểm của Đảng, Nhà nước thấm sâu vào tim óc người dân, khẳng định niềm tin, khơi dậy quyết tâm và hành động. Tuyên truyền ở những vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào còn nhiều khó khăn thiếu thốn về cơm ăn áo mặc, điện, nước, trường học, bệnh xá, đường sá…, càng phải rất thiết thực. Ý định của những người làm công tác tuyên truyền là tốt, muốn khẳng định đường lối lãnh đạo sáng suốt của Đảng và chính sách đúng đắn của Chính phủ, bản chất ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa, tính đột phá về lý luận của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, v.v.. Ý định tốt nhưng khi tuyên truyền phải xuất phát từ thực tế, không thể xuất phát từ ý muốn chủ quan của người tuyên truyền, tuyên truyền để mà tuyên truyền, tuyên truyền “lấy được”. Tuyên truyền không thiết thực, không đúng lúc, đúng chỗ, có thể biến ý định tốt thành không tốt, biến cái hay thành cái dở, làm giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ.

Tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh cũng vậy. Bác dạy: “Nói thế nào cho đồng bào hiểu được, đồng bào làm được, đó là nói được chủ nghĩa Mác - Lênin. Nói thiết thực, nói đúng lúc, đúng chỗ mới là hiểu được chủ nghĩa Mác - Lênin. Nếu nói không đúng chỗ không phải là chủ nghĩa Mác - Lênin”. Người chỉ rõ: “Các chú dạy cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về chủ nghĩa Mác – Lênin, chắc có nhiều người thuộc, nhưng các chú có làm cho mọi người hiểu chủ nghĩa Mác – Lênin là thế nào không. Theo Bác, hiểu chủ nghĩa Mác – Lênin tức là cách mạng phân công cho việc gì, làm Chủ tịch nước hay nấu ăn, đều phải làm tròn nhiệm vụ. Không nên đào tạo những con người thuộc sách làu làu, cụ Mác nói thế này, cụ Lênin nói thế kia, nhưng nhiệm vụ của mình được giao quét nhà lại để cho nhà đầy rác… Hiểu chủ nghĩa Mác – Lênin là phải sống với nhau có tình có nghĩa. Nếu thuộc bao nhiêu sách mà sống không có tình có nghĩa thì sao gọi là hiểu chủ nghĩa Mác - Lênin”. Lời Bác dạy vẹn nguyên giá trị đối với công tác tuyên giáo hiện nay.

Theo Bác, người tuyên truyền phải hiểu rằng mỗi khẩu hiệu của Đảng phải là ý nguyện và mục đích của hàng triệu đảng viên và của hàng triệu quần chúng. Mà muốn như thế, phải làm cho dân chúng đều hiểu, phải học cách nói của dân chúng “học ăn, học nói, học gói, học mở”, chớ nói như cách giảng sách. Mỗi tư tưởng, mỗi câu nói, mỗi chữ viết, phải tỏ rõ cái tư tưởng và lòng ước ao của quần chúng. Nếu không hàng vạn khẩu hiệu cũng vô ích. Người dạy: “Trước khi nói, phải nghĩ cho chín, phải sắp đặt cẩn thận. Phải nhớ câu tục ngữ: Chó ba quanh mới nằm. Người ba năm mới nói”

Bác thẳng thắn phê bình người đi tuyên truyền tưởng mình là công chức, làm việc theo cách bàn giấy mà quên nhiệm vụ của mình là tuyên truyền, cổ động, giải thích và huấn luyện cho nhân dân. Người chỉ rõ: “Các cấp thông tin tuyên truyền thường thi hành chỉ thị cấp trên một cách máy móc, không biết áp dụng theo hoàn cảnh thiết thực trong địa phương mình. Tuyên truyền không chủ trương thực tế mà hay nói những lý luận viễn vông. Chưa có một chương trình, một kế hoạch thiết thực và đầy đủ về công tác cũng như kiểm tra”. Nói về người tuyên truyền - xét tận cùng và quan trọng nhất, quyết định nhất - phải có cái tâm, đạo đức trong sáng, xuất phát từ nhận thức về bổn phận phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội và đường lối đổi mới.

Bên cạnh việc phân tích những nguyên tắc tuyên truyền, tại Hội nghị, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tóm tắt ngắn gọn và đơn giản những vấn đề cơ bản nhất của công tác tuyên truyền, huấn luyện ở miền núi lúc bấy giờ để giúp các cán bộ có cái nhìn toàn diện về công tác tuyên truyền nói riêng và sự nghiệp cách mạng ở miền núi nói chung. Mỗi giai đoạn cách mạng có mục đích và nhiệm vụ tuyên truyền, huấn luyện khác nhau:“Trước Cách mạng Tháng Tám và trong kháng chiến, thì nhiệm vụ tuyên huấn là làm cho đồng bào các dân tộc hiểu được mấy việc: Một là đoàn kết. Hai là làm cách mạng hay kháng chiến để làm độc lập. Chỉ đơn giản thế thôi. Bây giờ mục đích tuyên truyền huấn luyện là: Một là đoàn kết. Hai là xây dựng chủ nghĩa xã hội. Ba là đấu tranh thống nhất nước nhà”. Còn nhiệm vụ công tác tuyên huấn có thể chia ra hai mặt: “Một mặt là làm sao mưu lợi ích cho đồng bào. Một mặt nữa là làm sao tránh được tệ hại cho đồng bào”. Để đạt được những điều này, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu cụ thể những việc cần làm ngay: “Muốn nâng cao đời sống của đồng bào, không phải cứ nói mà ra cơm gạo. Cơm gạo không phải trên trời rơi xuống. Muốn có cơm gạo thì mỗi người phải làm cái gì?”, phải “đoàn kết dân tộc, củng cố hợp tác xã, phát triển thuỷ lợi, mở mang đường xá, đẩy mạnh sản xuất”, xoá“mê tín hủ tục”, phát triển “văn hoá giáo dục, vệ sinh phòng bệnh”. Tất cả những công việc này không phải đơn giản nhưng Bác nhắc lại là nếu xuất phát từ nhiệt tình cách mạng, thương yêu đồng bào thì nhất định sẽ làm tốt.

Trong sự nghiệp xây dựng đất nước hôm nay, công tác Tuyên giáo của Đảng luôn giữ một vị trí đặc biệt quan trọng. Bên cạnh những mặt thuận lợi là cơ bản, công tác tuyên truyền, giáo dục cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân cũng còn không ít những hạn chế. Khéo léo vận dụng bài học tuyên truyền của Bác, từ điều kiện thực tế, lựa chọn cách thức phù hợp nhằm đẩy mạnh tuyên truyền việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” nói riêng và những nhiệm vụ tuyên giáo nói chung, chắc chắn cán bộ tuyên giáo sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng và Nhân dân tin tưởng, giao phó.

Tác giả: Anh Đức

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

lịch làm viec
tai lieu sinh hoat cb
Tài liệu chỉ thị 05
Sổ tay đảng viên điện tử
Fanpage Tuyên Giáo BP
OAZALO
hien ke BP
Văn bản mới

1493-CV/BTGTU

Công văn số 1493-CV/BTGTU về định hướng công tác tuyên truyền tháng 9.2024

lượt xem: 61 | lượt tải:34

1494-CV/BTGTU

Công văn số 1494-CV/BTGTU tuyên truyền giải báo chí toàn quốc phòng chống tham nhũng, tiêu cực

lượt xem: 41 | lượt tải:31

118-HD/BTGTU

Hướng dẫn tuyên truyền Đại hội đại biểu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh lần thứ X tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024-2029

lượt xem: 403 | lượt tải:198
Lịch su đang bo BP
DIA CHI
lich su tuyen giao
Thống kê
  • Đang truy cập150
  • Hôm nay47,919
  • Tổng lượt truy cập11,946,540
Liên kết
QC_csln
qc_cspr
QC_csdp
QC_CSSB
QC_BHXH
Cty dien luc
QC-thue
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây