Cách mạng tháng Tám là cuộc cách mạng vĩ đại nhất của nhân dân ta trong thế kỷ XX. Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám và sự kiện thành lập Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào mùa Thu năm 1945 đã tạo ra một bước ngoặt lịch sử, làm thay đổi căn bản vận mệnh của đất nước và dân tộc ta. Khi đánh giá về tầm vóc và ý nghĩa lịch sử to lớn của Cách mạng tháng Tám, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Cách mạng tháng Tám đã lật đổ nền quân chủ mấy mươi thế kỷ, đã đánh tan xiềng xích thực dân gần 100 năm, đã đưa chính quyền lại cho nhân dân, đã xây nền tảng cho nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, độc lập, tự do, hạnh phúc. Đó là một cuộc thay đổi cực kỳ to lớn trong lịch sử nước ta”. Là một trong những cái nôi của cách mạng Việt Nam, trong các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, Hớn Quản là vùng đất anh hùng với nhiều chiến công đã ghi vào lịch sử những trang chói ngời.
Trong những ngày đầu năm 1945, đã diễn ra nhiều sự kiện lịch sử, thời cơ giành độc lập cho dân tộc ta đã đến khi trên thế giới, Liên Xô và quân đồng minh chiến thắng phát xít Đức, phát xít Nhật đầu hàng quân đồng minh. Trong nước nhân dân ta bị bóc lột cùng cực, nạn đói năm 1945 đã cướp đi sinh mạng của hơn 2 triệu người, cả dân tộc đã không chịu đựng được buộc phải vùng lên.
Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), Chủ tịch Hồ Chí Minh trịnh trọng đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ảnh: Tư liệu/TTXVN
Tại Tân Trào, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì Hội nghị toàn quốc của Đảng và Đại hội quốc dân đồng bào. Hội nghị quyết định Tổng khời nghĩa trong toàn quốc, giành chính quyền về tay nhân dân trước khi quân đồng minh kéo vào Đông Dương. 23 giờ ngày 13/8/1945, Uỷ ban khởi nghĩa ra quân lệnh số 1, Hồ Chí Minh khẳng định: “Lúc này thời cơ cách mạng đã tới, dù phải hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải quyết giành cho được độc lập”.
Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, hơn 20 triệu người Việt Nam từ Bắc chí Nam đã nhất tề vùng lên đập tan chính quyền phát xít Nhật, giành chính quyền về tay nhân dân.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân và các lực lượng vũ trang cả nước đã đồng loạt đứng lên tiến hành cuộc Tổng khởi nghĩa và liên tiếp giành được thắng lợi. Ngày 19/8, khởi nghĩa thắng lợi ở Hà Nội.Ngày 23/8 tại Huế và 25/8 tại Sài gòn. Chỉ trong vòng 15 ngày cuối tháng 8/1945, cuộc Tổng khởi nghĩa giành thắng lợi hoàn toàn, lần đầu tiên trong lịch sử chính quyền cả nước đã thuộc về tay nhân dân lao động.
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là khởi nguồn cho thắng lợi vĩ đại hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ của dân tộc ta, cũng như những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử về phát triển kinh tế - xã hội trong sự nghiệp đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo. Khí thế hào hùng của Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2 - 9 đã và sẽ sống mãi trong lòng mỗi người dân Việt Nam.
Hòa chung với khí thế cách mạng của cả nước, Đảng bộ và nhân dân huyện Hớn Quản đã phát huy truyền thống giàu lòng yêu nước. Trải qua quá trình xây dựng và trưởng thành, đặc biệt là sau 12 năm thành lập huyện, với tinh thần năng động, sáng tạo, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân Hớn Quản đã đoàn kết một lòng, khắc phục mọi khó khăn, sử dụng có hiệu quả tiềm năng thế mạnh của địa phương, đã đạt được những thành quả hết sức to lớn.
Kinh tế vẫn phát triển toàn diện, tăng trưởng khá, công tác xây dựng Đảng, chính quyền đã được triển khai thực hiện đồng bộ và tập trung lãnh đạo toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Sở hữu nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế đa ngành, đa lĩnh vực, huyện Hớn Quản đã từng bước chuyển dịch kinh tế với tỷ trọng công nghiệp - xây dựng chiếm 17,12%; dịch vụ chiếm 27,35%; nông - lâm nghiệp chiếm 55,53% vào năm 2018.
Hớn Quản đã và đang tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật, nâng cao giá trị sản phẩm, liên kết tập trung trong nông nghiệp. Hiện toàn huyện có 249 trang trại, 24 tổ hợp tác nông nghiệp, 15 hợp tác xã.
Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới cũng nhận được sự hưởng ứng nhiệt thành của hệ thống chính trị và toàn xã hội. Hớn Quản đã huy động được 1.3771 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới từ nguồn vốn trung ương, tỉnh, huyện, vốn lồng ghép, tín dụng, doanh nghiệp và nhân dân.
Để tạo nền tảng vững chắc cho kinh tế - xã hội phát triển, đem tới sự thuận lợi trong sinh hoạt, học tập, lao động sản xuất của người dân, huyện đã triển khai quy hoạch các dự án khu dân cư, công trình công cộng phù hợp với tình hình thực tế và kế hoạch trước mắt cũng như lâu dài.
Xác định phát triển văn hóa - xã hội là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, huyện đã tạo sự cân đối trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Để những người con Hớn Quản cùng du khách gần xa thêm hiểu, trân trọng những giá trị truyền thống quý báu của mảnh đất này, huyện luôn chú trọng bảo tồn nét đẹp các lễ hội của đồng bào các dân tộc như: Tết CholChnămThmây, Tết SenĐônTa, Lễ hội cầu mưa, Lễ hội Cồng - Chiêng... Hội chọi trâu gắn với Lễ hội Cầu bông Đình thần Tân Khai đã trở thành hoạt động văn hóa thường niên thu hút sự tham gia của đông đảo người dân. Đời sống tinh thần của người dân Hớn Quản cũng trở nên phong phú với nhiều chương trình văn nghệ, thể thao được tổ chức thường xuyên.
Để thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, Đảng bộ huyện luôn đoàn kết thống nhất, cùng với sự nỗ lực phấn đấu của toàn Đảng, toàn dân, của các cấp, các ngành và mọi tầng lớp nhân dân quyết tâm thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ. Phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang, tập trung trí tuệ, lao động sáng tạo để tạo nên sức mạnh mới đưa huyện đi lên cùng cả nước.
Những bài học lịch sử của cách mạng tháng Tám vẫn còn nguyên giá trị, giữ vững và tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, xây dựng củng cố các tổ chức cơ sở Đảng trong sạch, vững mạnh, thực sự là đội tiên phong của giai cấp công nhân. Nâng cao năng lực lãnh đạo, bản lĩnh chính trị và phẩm chất đạo đức cách mạng cho mỗi cán bộ, đảng viên. Đảng phải thực sự gắn bó mật thiết với nhân dân, hết lòng phục vụ nhân dân xứng đáng là người đầy tớ trung thành của nhân dân.
M.An