Phong trào cách mạng ở Đồng Xoài trong thời kỳ vận động dân chủ 1935-1939

Thứ bảy - 18/09/2021 10:24 2.588 0

 

Trước làn sóng cách mạng dâng lên mạnh mẽ khắp nơi trong cả nước, thực dân Pháp và tay sai đã tập trung mọi lực lượng khủng bố Đảng Cộng sản. Chúng thẳng tay đàn áp dã man những chiến sĩ cách mạng, nhiều cơ sở Đảng bị tan vỡ, nhiều đảng viên ưu tú bị sát hại. Phong trào cách mạng trong tỉnh cũng như trong cả nước lâm vào tình thế khó khăn nghiêm trọng.
Trên phạm vi cả nước, chỉ trong tháng 5/1931, địch đã bắt giam 246.532 người, kết án tử hình 8 người và kết án tù chung thân 98 người. Tại Sài Gòn tính đến năm 1935 chúng đã giết hại 833 người. Tháng tư năm 1931, đồng chí Tổng bí thư Trần Phú và hầu hết các đồng chí trong Ban Thường vụ Trung ương Đảng đều bị bắt, Xứ ủy Nam Kỳ tan rã.
Tình hình trong tỉnh, phong trào cách mạng cũng gặp khó khăn vì hệ thống trạm kiểm soát, mạng lưới mật vụ, chỉ điểm của thực dân Pháp hoạt động ráo riết. Ở Phú Riềng, sau cuộc đấu tranh tháng 02/1930, theo lệnh Chánh mật thám Đông Dương, tên quận trưởng Mô-re quận Bà Rá đưa 10 lính Pháp và 120 nhân viên an ninh Việt gian tiến hành khủng bố những công nhân tham gia đấu tranh, chúng bắt đồng chí bí thư chi bộ, nhiều đảng viên Cộng sản và hơn 100 công nhân, trong đó có nhiều thanh niên tự vệ và cán bộ nghiệp đoàn.
Bị tổn thất này là do ta chưa có kinh nghiệm hoạt động bí mật, các đồng chí trong chi bộ và ban chấp hành nghiệp đoàn đều bị địch phát hiện. Những người lọt vào tay giặc, bị đem về giam ở nhà tù Bà Rá, sau chuyển sang khám Biên Hòa. Ở hai nơi này, họ đều bị nhiều tra tấn dã man, nhưng hầu hết vẫn giữ vững khí tiết, không khai báo. Không những thế, họ còn chuẩn bị tư tưởng và tư thế cho nhau, trước khi ra vành móng ngựa của tòa án đế quốc.
Ở tòa án Biên Hòa, các đồng chí Trần Tử Bình, Nguyễn Mạnh Hồng, Tạ, Doanh,... đấu trí với bọn quan tòa quyết liệt, dũng cảm vạch trần tội ác của chúng với những lý lẽ đanh thép, hùng hồn. Tư thế vững vàng, bất khuất của họ đã tạo được tiếng vang lớn, tác động mạnh mẽ đến phong trào đấu tranh của công nhân và các tầng lớp nhân dân lao động ở Biên Hòa.
Đến tháng 5/1930 vụ án Phú Riềng lại tiếp tục đưa ra tòa đại hình ở Sài Gòn. Được sự hậu thuẫn của công nhân và nhân dân Sài Gòn có mặt nhiều trong phiên tòa, cùng với sự khích lệ của phong trào đấu tranh sôi nổi kỷ niệm ngày Quốc tế cộng sản, những người cộng sản Phú Riềng với tư thế vững vàng đầy dũng khí làm cho mọi tầng lớp nhân dân Sài Gòn khâm phục. Tiếng vang Phú Riềng hòa nhập một cách nhanh chóng vào phong trào đấu tranh của công nhân Sài Gòn lúc ấy.
 
Cuộc biểu tình “ngồi” của công nhân cao su Phú Riềng ngày 06/02/1930
 
Âm mưu thâm độc của thực dân Pháp là muốn qua vụ xử án công khai này, để trực tiếp làm ô danh Đảng ta và ngăn chặn các cuộc nổi dậy của quần chúng cách mạng. Nhưng chúng đã bị thất bại, các đồng chí ta đã biến phiên tòa thành diễn đàn tố cáo tội ác của bọn thực dân ngay tại Sài Gòn - trung tâm chính trị, kinh tế của xứ Đông Dương lúc bấy giờ.
Cuộc khủng bố trắng của thực dân Pháp ở nước ta diễn ra trong bối cảnh cuộc khủng hoảng kinh tế của chủ nghĩa tư bản, đã ảnh hưởng trực tiếp đến Đông Dương. Vì vậy, nhân dân Nam Bộ nói chung và nhân dân Đồng xoài nói riêng càng chịu những hậu quả rất nặng nề. Đời sống vật chất của công nhân cao su đồn điền Thuận Lợi không ngừng bị hạ thấp và ít đến nỗi người thợ không bao giờ được ăn no. Về mặt tinh thần, công nhân bị nghẹt thở dưới chính sách khủng bố trắng trợn của địch. Chúng cho mật thám chỉ điểm trà trộn vào hàng ngũ công nhân. Chúng điều cảnh sát đến kiểm soát các làng lao động. Chúng giao trách nhiệm cho đốc công, cai, xu, kẻ thì theo dõi công nhân ở vườn cây, kẻ thì theo dõi ở nhà.
Tuy vậy, đối với thực dân Pháp, những biện pháp trên vẫn chưa làm chúng yên tâm, cho nên đi đôi với đàn áp, chúng còn tăng cường chính sách cải lương hòng xoa dịu phong trào. Chúng cho phát triển công khai một số tổ chức ái hữu của công nhân, khuyến khích công nhân chơi thể thao, bóng đá; cho phát triển những hội có tính chất tôn giáo để thu hút công nhân tham gia hòng ru ngủ tinh thần đấu tranh của họ.
Những thủ đoạn cải lương của địch đều không có tác dụng vì sự áp bức bóc lột của giai cấp tư sản Pháp vẫn vô cùng tàn bạo mà công nhân cao su vùng Đồng Xoài - Bà Rá lại sẵn có tinh thần cách mạng, nhất là từ khi có Đảng lãnh đạo. Từ năm 1932, cùng với cả nước phong trào cách mạng ở Đồng Xoài - Bà Rá bắt đầu được khôi phục. Khẩu hiệu đòi dân sinh, dân chủ trong đồn điền như đòi chủ sở không phát gạo mục, cá thối, không giảm lương của công nhân đã buộc chúng phải giải quyết những yêu sách chính đáng ấy. Thông qua những cuộc đấu tranh này đội ngũ công nhân được củng cố, kinh nghiệm đấu tranh được tích lũy. Từ sau năm 1933, dân công tra ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ vào ngày càng đông, anh em công nhân cũ xiết chặt hàng ngũ với anh em công nhân mới đoàn kết đấu tranh, làm cho phong trào càng mạnh, buộc chủ đồn điền phải hủy bỏ chế độ ăn chung, ở chung, phát gạo về nhà nấu ăn riêng.
Cùng chung số phận với công nhân cao su, đồng bào các dân tộc ít người khu vực Đồng Xoài - Bá Rá cũng chịu ách thống trị của bọn thực dân Pháp. Với truyền thống yêu nước, lòng căm ghét áp bức bất công và tác động mạnh mẽ của các cuộc đấu tranh của công nhân Phú Riềng, Lộc Ninh, Hớn Quản,… Đồng bào các dân tộc ít người đã vùng dậy tự tổ chức nhiều cuộc đấu tranh vũ trang chống Pháp. Trong đó, chú ý hơn cả là vụ giết tên quận trưởng Mô-re quận Bà Rá tháng 10/1933 và cuộc đấu tranh của đồng bào dân tộc năm 1934 trên vùng Phước Long, Bù Đăng ngày nay.
Tên quận trưởng Mô-re khét tiếng gian ác đối với công nhân và đồng bào dân tộc vùng Bà Rá. Dưới thời quận trưởng Mô-re, đồng bào mỗi năm phải đi xâu từ 5 đến 6 tháng. Họ phải tự túc gạo, bọn thực dân Pháp chỉ bán cho ít muối không đủ ăn. Ngoài ra còn phải chịu rất nhiều thứ thuế và các loại hình phạt khác.Hắn thi hành nhiều chính sách thâm độc như lấy người dân tộc trị người dân tộc, dùng người Kinh đàn áp người thiểu số, áp dụng lao dịch để bắt dân đi làm đường bộ, xây dựng đồn bót, làm phu cho các sở cao su,… Trong lúc đó, lương thực phải tự túc, mà gia cảnh luôn thiếu đói, bệnh đau không được thuốc trị, nhiều người chết khi lao động quá sức. Hắn còn có những hành vi rất tàn bạo như bắt gái đẹp về hãm hiếp, bắt làm tôi tớ,… Không chịu nổi những thủ đoạn tàn bạo đó, hai anh em Điểu Môn (Điểu Mô) và Điểu Mốt (Điểu Mớp) vốn là nghĩa quân của phong trào Nơ Trang Lơng ở sóc Bù Xum, được dân tin cậy nhất, đứng ra vận động lập đội nghĩa quân và tập hợp 200 dân trong các làng Bù Xum, Bù Kế, Bù Tó, Bù Tung,… bàn mưu kế tiêu diệt quận trưởng Mô-re.
Sau một thời gian xây dựng lực lượng và tìm hiểu kẻ địch, vào gần cuối tháng 10/1933, nghĩa quân phục kích trên đoạn đường 14 gần sóc Bù Xum (nay là xã Minh Hưng, huyện Bù Đăng). Nghĩa quân chờ suốt hai ngày liền mà chúng không đến, mọi người bèn giải tán. Riêng hai ông Môn và Mốt vẫn kiên trì ở lại phục kích, vận động thêm vài người nữa như ông Nhim, ông Giang,… cùng tham gia. Do nắm chắc quy luật, mỗi tuần tên quận trưởng Mô-re cưỡi ngựa cùng bọn lính từ Bà Rá sang đường 14 để kiểm soát dân phu làm đường. Đến ngày thứ 3 (25/10/1933) tên Mô-re cùng với mấy tên lính hậu vệ lọt vào thế trận phục kích. Ông Điểu Mốt giả vờ xin lửa hút thuốc rồi nhanh như chớp ông dùng xà gạt chém Mô-re kết liễu đời tên thực dân vấy máu đồng bào, sau đó rút lui an toàn.
Ngày hôm sau, thực dân Pháp tập trung càn quét bắn phá dữ dội vùng Bù Xum, bắn chết ông Nhim, ông Giáp. Trước sự đàn áp càng ngày càng thảm khốc, đồng bào các dân tộc phải rút lui vào rừng sâu cắm chông ngăn địch đàn áp, lùng sục.
Đồng thời với cuộc nổi dậy giết chết tên Mô-re, là phong trào đấu tranh vũ trang của đồng bào dân tộc nhằm tiêu diệt đồn Bù Có, đồn này lập năm 1933 do tên Gec-be làm đồn trưởng. Nơi đây xuất phát quân đi càn quét, gây tội ác với các đồng bào buôn làng ở nhiều vùng như Lộc Ninh, Hớn Quản, Bà Rá,…
Cuộc tấn công nổ ra ngày 02/01/1934, với hơn 300 nghĩa quân người S’tiêng phần nhiều được trang bị cung tên tẩm thuốc độc, giáo mác và một ít súng săn. Trước khi tấn công, những người chỉ huy đã tổ chức hạ cây cản đường chặn viện binh địch từ Bù Na, không cho xe tiếp viện. Cuộc chiến đấu diễn ra ác liệt, do kế hoạch thiếu chu đáo, bị địch phát hiện và tấn công nên buộc nghĩa quân phải rút lui. Kết quả trận đánh, tuy chỉ bắn chết một tên và làm bị thương một tên, nhưng làm cho địch khiếp vía, bỏ đồn Bù Có về co cụm ở Bù Đăng.
Sau trận này, các thủ lĩnh nghĩa quân ở Bù Đốp, Bà Rá và lưu vực sông Đồng Nai liên hệ với nhau khá chặt chẽ. Dựa vào thế hiểm trở của rừng núi với diện tích rộng lớn gần 3.000km2, nghĩa quân gần như làm chủ khu vực, địch tấn công nhiều lần, nhưng vẫn không kiểm soát được. Phong trào ngày càng lan rộng từ vùng đồng bào S’tiêng đến các địa bàn cư trú lân cận của người M’nông, Mạ, Châu, Ro đến cả các dân tộc ít người ở Tây Nguyên. Bên cạnh đó, đồng bào còn hết lòng đùm bọc che chở cho một số công nhân, cán bộ trốn đồn điền, vượt ngục Bà Rá, Tà Lài,… Cuộc chiến đấu kéo dài đến năm 1935, mới tạm ngưng khi ông Nơ Trang Lơng thủ lĩnh nghĩa quân Tây Nguyên bị địch bắt,…
Nhìn chung, phong trào đấu tranh của các dân tộc thiểu số đứng lên chống thực dân Pháp ở giai đoạn này chỉ dừng lại ở mức độ tự phát. Các cuộc đấu tranh chỉ tập trung vào mục đích bảo vệ quyền tự chủ núi rừng, chưa có ý thức sâu sắc về chính trị. Hơn nữa, lúc này lực lượng đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương ở địa phương còn ít, chưa đủ điều kiện làm công tác vận động trong các đồng bào dân tộc ít người, cho nên ảnh hưởng của Đảng chưa đến vùng sâu là một thực tế. Tuy vậy, đó là những bước tập dượt đầu tiên đặt tiền đề cho chặng đường đấu tranh chống thực dân, đế quốc dưới sự lãnh đạo của Đảng sau này.
Sau cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới, trong năm 1933 - 1934 chủ nghĩa phát xít trở thành nguy cơ lớn đe dọa hòa bình và an ninh quốc tế. Trước tình hình đó, tháng 7/1935, Đại hội Quốc tế Cộng sản lần thứ 7 đã vạch rõ, nhiệm vụ trước mắt lúc này của giai cấp công nhân quốc tế là đấu tranh chống chủ nghĩa phát xít và nguy cơ chiến tranh do chúng gây ra. Do vậy, giai cấp công nhân quốc tế phải thống nhất hàng ngũ của mình và lập mặt trận thống nhất rộng rãi với các giai cấp và tầng lớp khác trong nhân dân để hoàn thành nhiệm vụ trước mắt.
Sau đại hội này, Mặt trận Nhân dân Pháp mà Đảng Cộng sản Pháp là nòng cốt giành được thắng lợi trong cuộc tổng tuyển cử tháng 4/1936. Chính phủ Mặt trận nhân dân lên cầm quyền có Đảng Cộng sản Pháp tham gia, do ông Lê-ông Blum lãnh tụ Đảng Xã hội làm thủ tướng. Chính phủ của Lê-ông Blum đã thi hành một số điều khoản trong cương lĩnh Mặt trận Nhân dân Pháp vạch ra, trong đó có những chủ trương tiến bộ nhân đạo như thả tù chính trị ở các thuộc địa Pháp, thành lập Ủy ban điều tra tình hình thuộc địa ở Bắc Phi và Đông Dương, thay đổi một số chế độ lao động đối với công nhân. Những điều đó đã tạo thuận lợi cho cách mạng nước ta.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, các cuộc đấu tranh công khai hợp pháp và nửa hợp pháp đã diễn ra sôi nổi ở ba miền đất nước. Phong trào Đông Dương đại hội, phong chào “đón” Gô-đa sang Đông Dương, những cuộc mít tinh nhân ngày Quốc tế lao động đã thu hút hàng nghìn, hàng vạn quần chúng tham gia và những cuộc đấu tranh dân quyền cũng giành được những thắng lợi bước đầu. Chính phủ Pháp phải ra lệnh ân xá tù phạm chính trị.
Giữa lúc tình hình thế giới và trong nước có sự chuyển biến tích cực, ở Thủ Dầu Một phong trào quần chúng lên cao, kết nạp thêm được nhiều đảng viên mới, thành lập thêm nhiều chi bộ Đảng.
Trong năm 1936, Tỉnh ủy Thủ Dầu Một và Tỉnh ủy Biên Hòa được thành lập. Tháng 01/1937, Tỉnh ủy Biên Hòa, Tỉnh ủy Thủ Dầu Một được xứ Ủy Nam Kỳ chuẩn y và công nhận chính thức.
Việc thành lập Tỉnh ủy Biên Hòa đã đánh dấu một bước phát triển có ý nghĩa chuyển biến về chất trong phong trào đấu tranh của quần chúng trong tỉnh. Đặc biệt là đối với các đồn điền cao su trên địa bàn. Sau khi Tỉnh ủy Biên Hòa được thành lập, Tỉnh ủy quan tâm và cử cán bộ về đồn điền Thuận Lợi để tổ chức lại phong trào. Sau sự kiện Phú Riềng đỏ, địch đã khủng bố trắng, đảng viên bị bắt, chi bộ bị phá vỡ, phong trào công nhân tạm lắng xuống. Sau nhiều năm thoái trào, ngày 01/5/1938 dưới sự lãnh đạo của Đảng, công nhân cao su đồn điền Thuận Lợi đã tổ chức kỷ niệm ngày Quốc tế lao động công khai, hợp pháp, thu hút hàng ngàn công nhân tham gia.
Ngày 04/5/1938, có 150 công nhân đồn điền cao su Thuận Lợi đã biểu tình. Các đại biểu công nhân lên gặp chủ sở, đưa ra một số yêu sách như: chống đánh đập, ngày làm 8 giờ, chống bán gạo mục, chống bán đắt. Những cuộc mít-tinh, biểu tình này là những cuộc biểu dương lực lượng và ý chí của công nhân cao su trong cuộc đấu tranh chung cùng nhân dân cả nước đòi các quyền tự do dân chủ, cải thiện đời sống và tố cáo chế độ thuộc địa, phản động của thực dân Pháp.
Từ năm 1939 trở đi, phong trào đấu tranh của đồng bào dân tộc thiểu số và công nhân cao su trên địa bàn Đồng Xoài có phần tạm lắng xuống với một số cuộc đấu tranh lẻ tẻ. Song, công nhân và đồng bào dân tộc vẫn một lòng kiên trì với cuộc đấu tranh cùng nhân dân cả nước chuẩn bị từng bước cho cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền vào tháng Tám năm 1945.
Gia Phúc (Theo Lịch sử Đảng bộ và Nhân dân thành phố Đồng Xoài 1930-2018)

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

lịch làm viec
tai lieu sinh hoat cb
Tài liệu chỉ thị 05
Sổ tay đảng viên điện tử
Fanpage Tuyên Giáo BP
OAZALO
hien ke BP
Lịch su đang bo BP
DIA CHI
lich su tuyen giao
Thống kê
  • Đang truy cập196
  • Hôm nay68,337
  • Tổng lượt truy cập17,059,141
Liên kết
QC_csln
qc_cspr
QC_csdp
QC_CSSB
QC_BHXH
Cty dien luc
QC-thue
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây