Về phía chính quyền Việt Nam cộng hòa: Phước Long trước năm 1956 là một phần của quận Bà Rá, thuộc tỉnh Biên Hòa. Năm 1956, chính quyền Việt Nam Cộng hòa chia tỉnh Biên Hòa chia thành 3 tỉnh: Biên Hòa, Long Khánh, Phước Long. Phước Long trở thành 1 tỉnh, tỉnh lỵ là thị xã Phước Bình. Về địa chính trị và quân sự, Phước Long là một mắt cích quan trọng trong tuyến phòng thủ từ xa, giáp Campuchia, về phía Bắc. Đây là nơi có vai trò chiến lược quan trọng trong thế trận phòng thủ của quân ngụy ở vùng Đông Nam Bộ. Tại đây, địch bố trí đến 70 vị trí lớn nhỏ được tổ chức thành các cụm chiến đấu hoàn chỉnh mà nòng cốt các chi khu quân sự Đôn Luân (Đồng Xoài), Bố Đức, Đức Phong, Phước Bình, tiểu khu Phước Long và căn cứ Bà Rá trong tuyến phòng thủ liên hoàn, từ xa trên hướng Bắc Sài Gòn, do Quân khu 3, Quân đoàn III đảm trách.
Tượng đài Phước Long chiến thắng là “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cho thệ trẻ
Về phía chính quyền cách mạng, để thuận tiện cho việc chỉ đạo, chỉ huy các lực lượng kháng chiến, Mặt trận Dân tộc giải phóng, từ năm 1969 là Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam thành lập tỉnh Phước Long theo tổ chức hành chính của địch. Địa bàn Phước Long giữ một vai trò quan trọng trong thế bố trí chiến lược của lực lượng kháng chiến ở miền Đông Nam Bộ: án ngữ hành lang vận tải của Quân đội nhân dân Việt Nam sang Lào và Campuchia, nối liền với vùng giải phóng, căn cứ địa Bắc Tây Ninh, đoạn cuối đường Hồ Chí Minh trên bộ (đường Trường Sơn), nơi tiếp nhận và xây dựng hệ thống kho tàng dự trữ vật chất hàng hóa, vũ khí từ hậu phương lớn miền Bắc tiếp tế cho tiền tuyến lớn miền Nam. Đứng chân trên địa bàn nay, ngoại lực lượng tại chỗ của tỉnh Phước Long, có một số đơn vị chủ lực của Miền, nhất là Sư đoàn 7 của Quân đoàn 4.