Tiếp thu chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, đồng thời để toàn Đảng, toàn quân và toàn dân tỉnh Bình Phước nhận thức sâu sắc, đầy đủ và toàn diện hơn về vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng của văn hoá trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; cổ vũ, khơi dậy mạnh mẽ khát vọng cống hiến vì quê hương, đất nước, tạo nguồn lực nội sinh và nguồn lực đột phá để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tổ chức Hội nghị Văn hóa tỉnh Bình Phước năm 2023. Đây là hội nghị có quy mô lớn, lần đầu tiên được tổ chức tại Bình Phước mang tầm chiến lược trong xây dựng và phát triển văn hóa, con người Bình Phước với 193 điểm cầu trong và ngoài tỉnh với hơn 12.700 đại biểu, cán bộ, đảng viên, nhân dân tham gia trực tuyến và trực tiếp.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Cường phát biểu kết luận Hội nghị
Nhất quán quan điểm “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước. Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội”, đồng thời để cụ thể hoá tinh thần chỉ đạo của đồng chí Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, với quyết tâm chính trị, sự đồng lòng của Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà, sau Hội nghị văn hoá và trên cơ sở lấy ý kiến đóng góp rộng rãi của các đơn vị, địa phương và nhân dân trong tỉnh, ngày 23-11-2023, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XI đã ban hành Nghị quyết số 14-NQ/TU, “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Bình Phước đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”. Nghị quyết đã đánh giá toàn diện, sâu sắc kết quả, hạn chế của việc xây dựng văn hoá và con người Bình Phước những năm qua, tìm ra nguyên nhân, đồng thời xác định rõ quan điểm, mục tiêu, giải pháp để xây dựng phát triển văn hoá, con người Bình Phước, trong đó xác định “xây dựng và phát triển văn hóa Bình Phước đa dạng, bản sắc, hội nhập, đậm đà giá trị văn hóa dân tộc, vừa giàu bản sắc địa phương; xây dựng con người Bình Phước phát triển toàn diện, có đầy đủ những phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam, đồng thời phát huy mạnh mẽ các đặc tính nổi trội là hòa hợp, nghĩa tình, tự cường, kỷ cương, sáng tạo. Bình Phước xác định phát triển văn hóa gắn với phát triển con người, lấy con người làm trung tâm, không chỉ phát triển thể trạng, trí tuệ mà còn nhân cách, đạo đức… tác động trực tiếp vào việc cải thiện Chỉ số phát triển con người”.
Tỉnh Bình Phước phấn đấu đến năm 2030 có trên 94% hộ gia đình được công nhận và giữ vững danh hiệu gia đình văn hóa; trên 95% thôn, ấp, khu phố đạt danh hiệu văn hóa; 90% phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị; trên 90% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa; 100% các lễ hội trong Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia của tỉnh được tổ chức định kỳ và có chất lượng; các di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh đã xếp hạng được đầu tư, bảo tồn và phát huy giá trị; xây dựng và hoàn thiện các thiết chế văn hoá cấp tỉnh, như Bảo tàng, Thư viện, Nhà hát; các thị xã, thành phố có công viên văn hóa, rạp chiếu phim; 100% cấp huyện có Hội Văn học Nghệ thuật, mỗi năm tăng 15% số lượng tác phẩm Văn học nghệ thuật, trong đó có ít nhất 5% số lượng tác phẩm có giá trị, có sức lan tỏa về tư tưởng nghệ thuật; chỉ số phát triển con người (HDI) của Bình Phước nằm trong nhóm từ 25 đến 30 các tỉnh, thành phố trong cả nước; cải thiện tầm vóc thân thể của thanh niên Bình Phước đạt chiều cao trung bình của thanh niên Việt Nam…
Định hướng phấn đấu đến 2045, toàn tỉnh có 100% khu phố, thôn, ấp có Nhà văn hóa - thể thao đạt chuẩn; 100% cấp xã có Trung tâm Văn hóa - Thể thao đạt chuẩn quốc gia; 100% cấp huyện có trung tâm văn hóa, công viên văn hóa; 100% các di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh, di vật, cổ vật và bảo vật quốc gia, các di sản trong Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia trên địa bàn tỉnh được số hóa và ứng dụng trên các nền tảng số; 100% Khu công nghiệp thành lập mới có quy hoạch quỹ đất xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao, trong đó tối thiểu 50% khu công nghiệp xây dựng mới có Trung tâm Văn hóa - Thể thao phục vụ công nhân, người lao động; phấn đấu đưa chỉ số HDI của Bình Phước nằm trong nhóm từ 20 đến 25 tỉnh, thành phố đứng đầu cả nước.
Đặc biệt, với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, tỉnh Bình Phước đã tập trung bố trí và sử dụng có trọng tâm, trọng điểm, nâng cao hiệu quả nguồn lực của Nhà nước, của doanh nghiệp và cộng đồng dân cư để đầu tư xây dựng và phát triển văn hóa, con người Bình Phước; chỉnh trang đô thị, xây dựng nông thôn mới, đầu tư nâng cấp, hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa. Bổ sung quy hoạch, cơ chế, chính sách phù hợp để thu hút các doanh nghiệp, doanh nhân đầu tư vào lĩnh vực phát triển đô thị, văn hóa, thể thao, du lịch và vui chơi giải trí quy mô lớn, mang đậm bản sắc văn hóa Bình Phước. Bố trí ngân sách Nhà nước đầu tư cho phát triển văn hóa, con người, trong đó phấn đấu đến năm 2025 chi cho văn hóa đạt 01%, đến năm 2030 chỉ cho văn hóa đạt 02% trong tổng chi ngân sách Nhà nước của tỉnh.
Lãnh đạo tỉnh chụp hình lưu niệm cùng các đại biểu gặp mặt
nhân sĩ, trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ tiêu biểu đầu xuân Ất Tỵ 2025
Để thực hiện thắng lợi mục tiêu đã đề ra, tiếp tục phát huy những thành tựu đạt được, khắc phục những hạn chế về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Bình Phước, thời gian tới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bình Phước sẽ tập trung triển khai đồng bộ một số giải pháp sau:
Một là, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Bình Phước. Nâng cao nhận thức của các cấp uỷ, tổ chức đảng và toàn xã hội, đặc biệt là người đứng đầu trong quán triệt và triển khai thực hiện về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Bình Phước phục hợp với chức năng, nhiệm vụ và tình hình thực tiễn của ngành, địa phương, đơn vị. Việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết phải kiên trì và quyết tâm cao; có chương trình, kế hoạch cụ thể; coi trọng xây dựng văn hóa trong đảng, trong bộ máy nhà nước. Mỗi cán bộ, đảng viên phải tiên phong, gương mẫu cho mọi người noi theo.
Hai là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục; phát huy vai trò chủ thể của nhân dân trong sáng tạo, tích cực tham gia các hoạt động văn hóa, hoạt động bảo tồn phát huy các giá trị di sản văn hóa. Xây dựng các đề án, bài viết chuyên sâu từng lĩnh vực văn hóa và con người Bình Phước. Chú trọng tuyên truyền, giới thiệu gương người tốt, việc tốt, các điển hình tiên tiến, mô hình mới, cách làm sáng tạo, để nhân rộng và tạo sức lan tỏa trong xã hội.
Ba là, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, đầu tư cho phát triển văn hóa, con người tương xứng với sự phát triển kinh tế - xã hội. Phấn đấu đến năm 2025 chi cho văn hóa đạt 0,1%, đến năm 2030 chi cho văn hóa đạt 0,2% trong tổng chi ngân sách của tỉnh.
Bốn là, xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa, trong đó chú trọng công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ văn hóa; có chế độ đãi ngộ tài năng trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật./.