Đồng chí Nguyễn Thị Định sinh ngày 13/2/1920, ở xã Lương Hòa, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre. 16 tuổi, bà giác ngộ và bắt đầu tham gia cách mạng, đảm nhận nhiệm vụ giao liên, rải truyền đơn và vận động quần chúng đấu tranh.
Lần đầu tiên Bà đặt chân đến Bình Phước trong hoàn cảnh lao tù, nhưng truyền thống yêu nước của dân tộc Việt Nam qua hàng ngàn năm lịch sử từ thời Bà Trưng, Bà Triệu đã hun đúc thêm sự can trường của người nữ chiến sĩ cộng sản. Đất Bà Rá những năm 30 của thế kỷ XX là vùng lam sơn chướng khí, nơi rừng thiêng nước độc giáp biên giới Campuchia có tiếng “có đi không về” vì muỗi độc, vắt, voi, cọp, nhất là “cọp người” – bọn tây râu xồm, cai đội người Việt... nên thực dân Pháp xây dựng ngục tù để đày ải những chiến sĩ trung kiên hòng dập tắt ý chí chiến đấu của người cộng sản. Thế nhưng, khi bị đưa lên căng Bà Rá, bà cùng các đồng chí biến địa ngục trần gian thành trường học cách mạng, truyền bá những chính sách, chủ trương của Đảng về cách mạng giải phóng dân tộc.
Không dập tắt được ý chí bằng ngục tù, kẻ thù đã dùng đòn roi tàn bạo nhất để tra tấn và bắt lao động khổ sai... nhằm từng bước thui chột tinh thần đấu tranh của người cộng sản. Thế nhưng, tất cả những thủ đoạn, phương thức, hành vi thâm độc của kẻ thù không làm lay chuyển ý chí sắt đá, khí phách của cô Ba Định cùng đồng đội, bà vẫn một mực kiên trung theo Đảng, cách mạng. Năm 1943, bệnh tim của bà ngày càng nặng, sức khoẻ yếu dần, bà bị ngất liên tục và do không có bằng chứng buộc tội, địch buộc phải trả tự do cho đồng chí. Sau khi được trả thự do, Bà trở về quê hương, tìm cách liên lạc với đồng đội để tiếp tục hoạt động cách mạng. Dấu tích xưa trên đất Bà Rá hôm nay là vườn cây lưu niệm do bà trồng, hiện còn 2 cây vú sữa và 2 cây khế nay đã thành cổ thụ. Vườn cây này hiện nằm trên địa bàn phường Sơn Giang, thị xã Phước Long, tỉnh Bình Phước là điểm đến cho du khách gần xa về với Bà Rá... Tại đây, dấu tích về một thời đau thương, nơi đày ải những người con trung kiên của cách mạng đã trở thành địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ.

Nữ tướng Nguyễn Thị Định - Người cộng sản kiên trung mẫu mực,
biểu tượng của người phụ nữ Việt Nam anh hùng
Năm 1965, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ của dân tộc ta đang bước vào giai đoạn khốc liệt nhất, bà được Đảng và Nhà nước giao trọng trách Phó Tư lệnh Quân giải phóng miền Nam Việt Nam. Đây là lần thứ hai bà đặt chân đến Bình Phước để cùng Bộ Tư lệnh Miền vạch đường lối cho trận chiến đấu cuối cùng để giải phóng miền Nam. Tại đây, những ý kiến chỉ đạo của bà đã góp phần lãnh đạo, chỉ huy toàn diện, góp phần vào công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Thượng tướng Trần Văn Trà nói về nữ tướng Nguyễn Thị Định: “Sự thực là có chị Ba Định ở Bộ Tư lệnh, nhiều việc cụ thể ở chiến trường đã được làm sáng tỏ. Dưới sự chỉ đạo của anh Nguyễn Chí Thanh ở cương vị Chính ủy, chúng tôi được phân công giúp đỡ chị nắm vững những vấn đề cơ bản về chỉ huy và công tác tham mưu quân đội cũng như công tác chính trị trong các lực lượng vũ trang, đồng thời chúng tôi cũng học tập được ở chị nhiều kinh nghiệm quý báu trong lãnh đạo đấu tranh chính trị và trong công tác xây dựng phong trào quần chúng. Chúng tôi không khỏi ngạc nhiên về sự thông minh và hiểu biết nhanh chóng của chị về các vấn đề quân sự. Chỉ sau một thời gian không dài, chị đã có nhiều ý kiến đóng góp có giá trị trong việc chỉ huy lực lượng tổng hợp trên. chiến trường”.
Ngôi nhà cô ở và làm việc tại căn cứ Tà Thiết được thiết kế nửa chìm, nửa nổi để tránh bom đạn. Mái được lợp bằng lá trung quân có độ bền cao, lâu mục, khó cháy. Trong nhà chỉ có một bộ bàn ghế làm việc đơn sơ và một chiếc giường để bà nghỉ ngơi. Bà hoạt động tại chiến khu Tà Thiết cho đến ngày đất nước hoàn toàn thống nhất. Cũng tại căn cứ này, năm 1974, bà được phong hàm thiếu tướng Quân đội nhân dân Việt Nam - vị tướng đặc biệt Bác Hồ từng nói: “Phó Tổng Tư lệnh quân giải phóng miền Nam là cô Nguyễn Thị Định, cả thế giới chỉ nước ta có vị tướng quân gái như vậy. Thật vẻ vang cho cả miền Nam, cho cả dân tộc”. Những người từng biết đến Thiếu tướng Nguyễn Thị Định, hay còn được gọi với cái tên trìu mến là “bà Ba Định” đều cho rằng, bà thật xứng đáng với 8 chữ vàng mà Bác Hồ trao tặng phụ nữ Việt Nam “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”.
Trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ cứu nước, với cương vị Phó tư lệnh Quân giải phóng miền Nam Việt Nam, bà luôn thể hiện tài năng lãnh đạo, khí phách kiên trung của người phụ nữ Việt Nam. Đó là những quyết định sáng suốt trong công tác binh vận, vận động quần chúng, mở đường vận tải chiến lược trên biển. Tại khu rừng căn cứ Tà gắn liền với những dấu ấn, chiến thắng của cách mạng Việt Nam trong từng giai đoạn lịch sử. Đặc biệt, sự có mặt của bà trong Bộ Tư lệnh Miền đã góp phần lãnh đạo, chỉ huy toàn diện, thấu đáo hơn từ cuộc chiến tranh nhân dân. Qua đó khẳng định lời đánh giá của Bác Hồ khi giao nhiệm vụ Phó tư lệnh Quân giải phóng miền Nam cho bà không chỉ là lời động viên mà là sự kết tinh của truyền thống dân tộc “giặc đến nhà đàn bà cũng đánh” đã tạo nên khí phách người phụ nữ Việt Nam thế kỷ XX. Vượt qua những khó khăn, thử thách, bà đã chiến đấu dũng cảm, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bà đã thể hiện và phát huy được sức mạnh của mình và đã có những đóng góp to lớn và xứng đáng vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại của dân tộc. Lịch sử sẽ mãi ghi nhận sự đóng góp và hy sinh to lớn đó của của bà trong sự nghiệp cách mạng vĩ đại của dân tộc ta.
Những địa điểm mà bà Nguyễn Thị Định đã sống và làm việc trên quê hương Bình Phước nay đã được xếp hạng: Di tích Vườn cây lưu niệm bà Nguyễn Thị Định được Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước ký quyết định công nhận là di tích cấp tỉnh vào ngày 12/12/2014; di tích Núi Bà Rá được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận xếp hạng là di tích lịch sử và danh thắng quốc gia ngày 20/4/1995; di tích Căn cứ Tà Thiết được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định công nhận di tích quốc gia đặc biệt vào ngày 23/12/2015. Ba di tích ghi dấu ấn của bà chính là địa chỉ đỏ của tỉnh Bình Phước, là chứng tích lịch sử vô cùng quan trọng để giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.
Hội thảo "Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của đồng chí Nguyễn Thị Định"
Với 72 tuổi đời, 56 năm hoạt động kiên cường, liên tục, đồng chí đã gắn bó với những chặng đường đấu tranh vô cùng quyết liệt rất đáng tự hào của dân tộc, đặc biệt trong bước ngoặt lịch sử thập niên 60. Nữ tướng Nguyễn Thị Định - tấm gương sáng về lòng quả cảm, một chiến sĩ cách mạng trung kiên và là người phụ nữ giàu lòng nhân ái. Bà là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam nói chung và của phụ nữ Việt Nam nói riêng.
Trân trọng và ghi nhớ công ơn to lớn của các thế hệ đã hy sinh cho nền độc lập dân tộc nói chung và nữ tướng Nguyễn Thị Định nói riêng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bình Phước hôm nay tiếp tục kế thừa truyền thống vẻ vang của vùng đất “Miền Đông gian lao mà anh dũng”, khí phách anh hùng của dân và quân tỉnh nhà trong đấu tranh cách mạng để có những bước tiến thần kỳ, biến vùng đất đầy gian khó thành động lực phát triển, là vùng đất đáng sống và là điểm đến lý tưởng của các nhà đầu tư trong, ngoài nước, xây dựng và phát triển tỉnh Bình Phước giàu đẹp, văn minh cùng cả nước bước vào kỷ nguyên phát triển mới./.