Chiến thắng Phước Long, giải phóng hoàn toàn tỉnh đầu tiên ở miền Nam vào ngày 6-1-1975 là bước ngoặt quan trọng trong toàn bộ chiến dịch mùa Xuân 1975. Dịp này, chúng tôi đã có dịp gặp gỡ bà Huỳnh Thị Minh Tuyết, SN 1942, mọi người quen gọi bà là Bảy Tuyết, ngụ khu phố 2, phường Sơn Giang, thị xã Phước Long, thương binh ¼, nguyên nữ Đội trưởng Đội biệt động Bà Rá, người trực tiếp xông pha lửa đạn trong chiến dịch giải phóng quê hương Phước Long cho đất nước hòa bình.
Một thời xông pha lửa đạn
Bà Huỳnh Thị Minh Tuyết
Bà Bảy Tuyết kể, trong cuộc đời chiến đấu vào sinh ra tử của bà không thể không nói đến Đội biệt động Bà Rá K11 anh dũng kiên cường. Đây là đơn vị mà bà được bố trí công tác từ năm 1964 để rồi sau này giữ vai trò đội trưởng (giai đoạn 1968 - 1972). Bà sinh ra trên dải đất miền Trung của làng quê nghèo thuộc huyện Đức Phổ (Quãng Ngãi). Năm 1958, ở tuổi 16, cô gái rời làng quê vào Sài Gòn kiếm sống. Khoảng thời gian ngắn ngủi khi mới đặt chân vào vùng đất mới, nhưng người thiếu nữ nhanh chóng làm quen với những cuộc đấu tranh của nhân dân vùng đô thị.
Năm 1960, rời Sài Gòn, cô gái lên đồn điền Phú Riềng làm công nhân cao su. Rồi Bảy Tuyết được đưa vào căn cứ bí mật K2 nằm sâu trong rừng Đắc Nhau thuộc huyện Bù Đăng và được giữ lại làm việc trong Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy. Nhiệm vụ của người chiến sĩ trẻ là đánh máy các công văn, thư từ, tài liệu, truyền đơn cách mạng. Năm 1963, cô gái trẻ nhận nhiệm vụ mới, ra ngoài căn cứ hoạt động, làm phụ trách công tác dân vận, tuyên truyền đường lối của Quân giải phóng đến nhân dân. Trong khoảng thời gian hơn một năm, nữ chiến sĩ tuyên huấn được tiếp xúc thường xuyên với đồng bào S’tiêng trong những lần về cơ sở.
Sau đó, nữ chiến sĩ được điều về công tác tại Đội biệt động Bà Rá K11, trực tiếp cầm súng xông pha lửa đạn chiến đấu. Cùng đồng đội, Bảy Tuyết có nhiệm vụ vừa đánh du kích, vừa xây dựng cơ sở, tuyên truyền đường lối cách mạng đến quần chúng. Trong trận Mậu Thân 1968, giữa lúc cuộc chiến cam go quyết liệt nhất, bà Bảy Tuyết được bổ sung vào Huyện ủy K11 (Phước Long hôm nay), sau đó được Tỉnh ủy tin tưởng giao nhiệm vụ làm Đội trưởng Đội biệt động Bà Rá K11, khi mới 26 tuổi.
Địch treo “giải thưởng” lớn để lấy mạng Bảy Tuyết và đồng đội nhưng thủ đoạn nhẫn tâm của chúng không thể mua chuộc được những người vẫn ngày đêm nuôi giấu cách mạng. Bà không giấu giếm chuyện một chiến sĩ trong hàng ngũ làm tay sai cho giặc, sau đó bịt mặt chỉ điểm cho giặc đánh phá hàng loạt các cơ sở bí mật gây thiệt hại cho cách mạng. Theo người nữ đội trưởng, đội biệt động tồn tại được là nhờ sự cưu mang, che chở của đồng bào S’tiêng. Chính họ vượt đường rừng che mắt bao nhiêu đồn bốt, trạm gác, âm thầm tiếp tế đưa lương thực cho các chiến sĩ, họ là “kênh thông tin” tin cậy về những cuộc hành quân càn quét của địch để đội biệt động nhanh chóng trú ẩn, tránh tổn thất.
Cũng năm 1968, nữ chiến sĩ bị đạn pháo của địch bắn bị thương 2 lần, trong đó 1 lần rất nặng. “Lần bị thương nặng xảy ra khoảng cuối năm 1968, lúc đó viên đạn của địch đã trúng vào vùng lưng của tôi, máu chảy ra đẫm lưng, tôi bị ngất đi. Với các chấn thương rất nặng ập đến, nhưng rất may mắn tôi được đội ngũ y tế, đồng đội, đồng bào cứu sống, họ tận tình chăm sóc, cứu chữa nên sau vài tuần thì vết thương lành, rồi tôi lại tiếp tục ra trận chiến đấu” – Bảy Tuyết nói.
Nặng nghĩa tình đồng đội, đồng bào
Kể về những hy sinh, mất mát của đồng đội, bà còn nhớ như in về một liệt sĩ được bà cài vào lòng địch nhưng đã hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ. Đó là liệt sĩ Phạm Văn Chí được xây dựng làm lính cho đơn vị Bảo An của địch. Sau khi lập nhiều chiến công hiển hách, chiến sĩ Phạm Văn Chí hy sinh vào một đêm năm 1972, khi gỡ mìn để mở đường mang thư ra cho đơn vị. Ngay sau khi hy sinh, đơn vị Bảo An của địch đã đưa xác liệt sĩ Phạm Văn Chí về chôn cất tại một nghĩa trang của phía Việt Nam Cộng Hòa ở Biên Hòa (Đồng Nai). Qua nhiều kênh liên lạc, nhiều năm sau, bà Bảy Tuyết cùng các đồng đội đã làm hồ sơ công nhận liệt sĩ cho đồng chí Phạm Văn Chí, sau đó cải táng đưa về Nghĩa trang Liệt sĩ thị xã Phước Long an táng.
Lau dòng nước mắt cảm xúc khi bồi hồi nhớ về những đồng đội bị thương, hy sinh, ánh mắt Bảy Tuyết bỗng sáng rực lên khi kể về những chiến công của mình và đồng đội. Đó là các trận đánh táo bạo bất ngờ, gây nhiều thiệt hại cho quân thù bên kia chiến tuyến, hay những lần mưu trí thoát khỏi vòng vây kẻ thù. Bảy Tuyết nhớ như in, đó là hồi đầu năm 1969, tiểu đội địch đóng tại trường Nhất Linh ngay thị xã (nay là Trường THCS Thác Mơ, phường Thác Mơ, thị xã Phước Long), được trang bị “tận răng”, trong lúc đội rơi vào hoàn cảnh thiếu vũ khí. Nhiệm vụ lúc này là đánh địch và thu chiến lợi phẩm. Sau quá trình theo dõi, nắm được “đường đi nước bước” của địch, Bảy Tuyết cùng 3 chiến sĩ đột nhập lấy súng đạn chuyển ra ngoài, sau đó đặt mìn. Khi những quả mìn nổ tung, nhiều tên địch lăn ra chết. Số còn lại thì hoảng loạn la hét và bị đơn vị do bà dẫn đầu xả súng vào trong tiêu diệt gọn.
Bảy Tuyết cho biết: “Thành tích chiến đấu và công tác của Đội biệt động Bà Rá K11 là sự thật, nhưng chỉ là thành tích nhỏ bé so với chiến tích lâu dài của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến trường kỳ. Sau giải phóng Phước Long, nhiều lãnh đạo chỉ huy K11 của Tỉnh đội Phước Long cũng không còn. Một số hy sinh, một số chuyển công tác sang địa bàn khác. Do vậy việc xét đề nghị khen thưởng cho các đơn vị, cá nhân không được thực hiện. Để tưởng nhớ đồng đội đồng bào đã chiến đấu hy sinh, số anh em còn lại đã vận động quyên góp xây dựng Đền thờ nh linh liệt sĩ và đồng bào tử nạn, tổ chức lễ giỗ, thờ cúng liệt sĩ và hương hồn đồng bào với thái độ thành kính biết ơn. Khi làm được những điều tri ân đó, chúng tôi cũng cảm thấy được ấm lòng. Giờ đây họ đã được tri ân thành kính”.
Quang cảnh Hội thảo khoa học “Ý nghĩa lịch sử và tầm vóc chiến lược của chiến thắng chiến dịch Đường 14 – Phước Long” Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Phước phối hợp với Thị ủy Phước Long tổ chức ngày 5-1
Cũng trong cuộc trao đổi, Bảy Tuyết trăn trở mãi về những người dân tham gia che chở, đùm bọc, nuôi ăn cho các chiến sĩ cách mạng. “Những người tham gia cách mạng năm xưa còn có chức, có tên, có tuổi để ghi ơn, báo đáp, nhưng nhiều người dân thường, nhiều hộ dân thường ở địa phương này, họ bất chấp tất cả để hy sinh, có người hy sinh cả mạng sống của mình để che chở cho các chiến sĩ, cho cách mạng trong nhiều năm để đất nước được hòa bình. Tuy nhiên, sau khi đất nước hòa bình, nhiều người không được nhắc đến, không được ghi ơn, giờ thì chỉ số ít người hay chỉ con cháu họ còn sống. Do đó, tôi đề nghị các cấp ngành nên có chính sách hỗ trợ, tri ân họ vào các ngày kỷ niệm, dịp lễ tết. Đó cũng là thể hiện tấm lòng nhân văn với mọi người đã vì cuộc chiến đấu gian tử” – bà Bảy Tuyết xúc động nói.
Giữa năm 1972, rút về căn cứ, bà Bảy Tuyết được cử làm Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Bình Phước. Sau ngày non sông liền một dải, bà còn làm Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện Phước Long, Bí thư Đảng ủy xã Sơn Giang. Năm 1992, bà về nghỉ hưu. Với những chiến công vang dội trong chiến tranh, bà Bảy Tuyết được Nhà nước tặng thưởng Huân chương kháng chiến chống Mỹ Hạng nhất, Huân chương Độc lập hạng Ba và nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp ngành.
Nói về Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30-4-1975, bà Huỳnh Thị Minh Tuyết cho biết: Thời khắc ngày 30-4-1975, khi quân giải phóng đã vào đến trung tâm Sài Gòn, quân ngụy không còn cố gắng bám trụ như những ngày trước. Địch đã tự nguyện đầu hàng vô điều kiện thì cảm xúc khi đó rất khó tả. Tâm trạng đã rạo rực bởi biết rằng chiến thắng đã đến rất gần. Trải qua bao gian khổ, những người lính như chúng tôi chỉ có một ước mơ duy nhất là đất nước giải phóng. Không khí của hòa bình, không còn chiến tranh không thể diễn tả hết bằng lời.
Suốt mấy chục năm chiến tranh triền miên, ác liệt, tôi luôn nghĩ nhất định sẽ có ngày giải phóng. Trong niềm vui và hạnh phúc, tâm trí tôi là giữ vững được tinh thần, khí thế của ngày giải phóng và không khí hòa bình mãi mãi đối với đất nước, với dân tộc này. Tôi từng trải qua chiến tranh, từng sống chết với kẻ thù, với bom đạn, từng lăn lộn vào chiến trường, bước bên xác đồng đội để tiếp tục chiến đấu, nên đối với tôi và tất cả những đồng đội của tôi, không gì có thể sánh bằng hai chữ hòa bình và tôi tin rằng thế hệ trẻ với những khát vọng của mình sẽ tiếp tục xây dựng và gìn giữ nền hòa bình quý giá này của đất nước.