Chúng tôi trở lại sóc Bom Bo, xã Bình Minh, huyện Bù Đăng vào trung tuần tháng Tư này, khi bà con nơi đây đang hối hả thu hoạch điều, tiêu và ra sức chăm sóc vườn sầu riêng, các loại cây trồng khác. Trên khuôn mặt bà con ai cũng vui mừng vì các loại nông sản được mùa được giá, cây trồng phát triển tốt. Có thể nói, chưa bao giờ sóc Bom Bo lại rộn rã đến thế, từ bom đạn, khổ đau trong chiến tranh, giờ đang vươn mình trở thành vùng quê giàu đẹp, xứng đáng với quá khứ hào hùng trong kháng chiến chống giặc ngoại xâm.
Tiếng vọng từ đại ngàn
Từ TP Đồng Xoài, theo quốc lộ 14, chúng tôi chạy xe máy chừng 40km đến ngã ba Minh Hưng (xã Minh Hưng, huyện Bù Đăng). Sau đó tiếp tục đi trên con đường thảm nhựa phẳng lì, uốn lượn qua những ngọn đồi xanh mướt cà phê, điều. Hai bên đường có những ngôi nhà cao tầng mới xây, thay dần nhà dài đơn sơ của người S’tiêng thuở trước. Phải mất gần một giờ đồng hồ chạy xe gắn máy, chúng tôi mới tìm được nhà ông Điểu M’Riêng (sinh năm 1953, đồng bào S’tiêng, ngụ xã Đường 10) – con người rõ chuyện sóc Bom Bo. Sau lời chào hỏi thân tình, ông M’Riêng chia sẻ, căn cứ Nửa Lon (nay thuộc thôn 4, xã Đường 10), ghi dấu việc mở hành lang nối liền hậu phương lớn miền Bắc xã hội chủ nghĩa với tiền tuyến lớn miền Nam. Hồi đó khó khăn, thiếu thốn, mỗi người chỉ được nửa lon gạo trong một ngày nên cái tên Nửa Lon ra đời.
Tái hiện hoạt động giã gạo nuôi quân của người đồng bào dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo
Năm 1965, để chuẩn bị cho chiến dịch Đồng Xoài - Phước Long, đồng bào S’tiêng ở sóc Bom Bo vào căn cứ huy động cối, chày giã gạo nuôi quân. Chỉ trong 3 ngày đêm người dân Bom Bo giã 5 tấn gạo, giúp bộ đội ăn no, đánh khỏe. Cảm động trước tấm lòng yêu nước, thủy chung với cách mạng của bà con nơi đây, cố Nhạc sĩ Xuân Hồng viết nên ca khúc bất hủ “Tiếng chày trên sóc Bom Bo” đã đi vào lòng bao thế hệ người dân Việt. Ông Điểu M’Riêng hồi ức: “Khi ấy, đồng bào S’tiêng trồng lúa trên nương rẫy và giã gạo bằng chày, sẵn sàng bỏ lại nhà cửa đi theo cách mạng. Ngày thì trồng lúa mì, tối thức trắng đêm giã gạo nuôi quân, “bao nhiêu gạo là bao nhiêu tình”, không đong đếm được”. Sóc Bom Bo đi vào huyền thoại và bất diệt với thời gian, khi tên đất, tên người, từng con sông, ngọn núi đã in đậm ký ức hào hùng của một thời bão đạn của cuộc chiến vệ quốc.
Trở ra thôn Bom Bo (nay thuộc xã Bình Minh, huyện Bù Đăng), chúng tôi tìm gặp già làng Điểu Lên (sinh năm 1945), người đồng bào S’tiêng. Già Điểu Lên lưu giữ những ký ức một thời hào hùng của buôn làng và cũng là đại diện ưu tú cho người S’tiêng trong những năm tháng khốc liệt của chiến tranh. Sinh ra trong một gia đình S’tiêng giàu truyền thống cách mạng, lớn lên trên mảnh đất Bom Bo. Cũng như bao người con của buôn làng, già Điểu Lên không biết “cái chữ nó như thế nào” nhưng tinh thần cách mạng được hun đúc từ rất sớm. Lên 15 tuổi, già Điểu Lên đã là cậu bé giao liên, làm nhiệm vụ đưa thư cho cán bộ trong căn cứ, chưa tròn tuổi đôi mươi, ông nhập ngũ. Trong kháng chiến chống Mỹ, già Lên tham gia hơn 40 trận, nhiều lần lập công, được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Dũng sĩ diệt ác phá kìm”, “Dũng sĩ diệt Mỹ - Ngụy”.
Nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người đồng bào dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo
Hòa bình lập lại, bỏ cây súng về với đời thường, già Điểu Lên còn sưu tầm những hiện vật gắn liền với Bom Bo, những câu chuyện về tấm gương con người làm rạng danh Bom Bo. Nó giống như hồn thiêng sông núi, tiếng vọng về từ phía đại ngàn đến hôm nay để giáo dục truyền thống cách mạng cho bao thế hệ người dân Bom Bo.
Giữ hồn văn hoá S’tiêng
Đối diện nhà già Điểu Lên bên kia đường là Khu Bảo tồn Văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo với hơn 113ha, do UBND huyện Bù Đăng quản lý. Nơi đây có nhà dài truyền thống của người S’tiêng nhánh Bù Lơ ở Bình Phước, mái lợp cỏ tranh, vách làm bằng thanh tre và cột tận dụng gỗ rừng. Gần đó có bộ cồng, chiêng lớn nhất Việt Nam được đúc tại làng đồng Nam Định, mỗi chiếc nặng từ 130kg đến 750kg. Ngay khu vực lễ hội là bộ đàn đá 20 tấn đạt kỷ lục nặng nhất Việt Nam, được khai thác từ vùng núi Bình Phước và Tây Nguyên, mỗi thanh đàn từ 400kg đến 600kg, tương ứng với một nốt nhạc.
Nghề nấu cơm lam truyền thống của người đồng bào dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo
Anh Điểu Cóc, người đồng bào S’tiêng, tâm sự: “Bà con Bom Bo hôm nay vẫn giữ y bản sắc văn hóa truyền thống, với làn điệu dân ca, múa truyền thống và đánh cồng chiêng trong những đêm hội. Việc khôi phục, xây dựng sóc Bom Bo trở thành điểm di tích lịch sử văn hóa, có ý nghĩa không chỉ đối với bà con dân tộc S’tiêng mà còn là niềm tự hào vùng đất Bù Đăng, góp phần giữ gìn truyền thống cách mạng, phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế, du lịch của địa phương”.
Du khách đến vui chơi tại Lễ hội “Vang mãi tiếng chày trên sóc Bom Bo” nhân kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng Bù Đăng (14/12/1974 – 14/12/2024)
Sau khi tham quan một vòng, chúng tôi dự buổi biểu diễn văn hóa, nghệ thuật của già trẻ, trai gái người đồng bào dân tộc S’tiêng ngay tại khu vực sân lễ hội. Chính giữa là nơi để đốt lửa, khi một bó củi lớn được đốt lên, hình dung như ánh lửa lồ ô bập bùng, là lúc các nghệ nhân cồng, chiêng và nghệ nhân say sưa theo nhạc điệu đêm rừng. Các nghệ nhân cũng tái hiện lại hình ảnh bà con Bom Bo đốt đuốc lồ ô, giã gạo thâu đêm để phục vụ chiến trường. Và cũng thêm một lần, chúng tôi được cảm nhận sâu sắc hơn lời hát: “Đuốc gần tàn nhịp chày thêm rắn rỏi, bóng trăng lên vừa khỏi đỉnh đồi cây. Người chưa ngơi đã sẵn có người thay, cối gạo vơi đi rồi cối gạo lại đầy…”. Trời dần về khuya, mọi người mới chia tay ra về trong bịn rịn.
Theo lãnh đạo Khu bảo tồn Văn hóa S’tiêng sóc Bom Bo, địa phương có 13 đội cồng chiêng với khoảng 70 nghệ nhân biết nghệ thuật trình diễn cồng chiêng, mang ý nghĩa nghi lễ và tâm linh. Huyện cũng chú trọng xây dựng nghệ thuật biểu diễn cồng chiêng thành sản phẩm du lịch đặc trưng để trình diễn tại Khu bảo tồn Văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo, phục vụ bà con và du khách.
Du khách đến vui chơi tại Lễ hội “Vang mãi tiếng chày trên sóc Bom Bo” nhân kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng Bù Đăng (14/12/1974 – 14/12/2024)
Đổi thay trên quê hương anh hùng
Sau 51 năm giải phóng và 36 năm tái lập, Bù Đăng từ một huyện miền núi, đất rộng, người thưa, hộ đói, nghèo, khó khăn chiếm tỉ lệ lớn, hạ tầng kinh tế - xã hội yếu kém, “nắng bụi, mưa lầy”. Đến nay, toàn huyện có 16 xã, thị trấn với khoảng 150 nghìn dân. Đảng bộ huyện hiện có 63 tổ chức cơ sở Đảng với hơn 4.300 đảng viên, trong nhiều năm là Đảng bộ hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên; cơ cấu kinh tế của huyện chuyển dịch đúng hướng. Tỷ trọng nông nghiệp tại thời điểm tái lập huyện chiếm 90%, nay giảm xuống còn 39,9%; tăng tỷ trọng công nghiệp lên 26,1% và thương mại, dịch vụ 34%. Kinh tế tăng trưởng khá, đời sống Nhân dân được nâng lên rõ rệt, thu nhập bình quân đầu người đạt 77 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 0.35%. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư xây dựng, đường liên xã được nhựa hoá, 100% đường liên thôn được cứng hóa, 99% số hộ dân đã được sử dụng điện lưới quốc gia, thiết chế văn hoá từ huyện đến cơ sở tiếp tục được hoàn thiện, 99,85% số hộ dân được sử dụng nước hợp vệ sinh, tất cả các xã, thị trấn trong huyện đã xóa nạn mù chữ và duy trì kết quả phổ cập THCS, có 34/54 trường đạt chuẩn Quốc gia. Diện mạo nông thôn thay đổi rõ rệt, có 13/15 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 03 xã đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao, thị trấn Đức Phong ngày càng xanh, sạch, đẹp, đạt tiêu chuẩn đô thị loại V.

Già làng Điểu Lên vui vầy bên con cháu
Ông Vũ Lương, Bí thư Huyện ủy Bù Đăng cho biết: “Địa phương có được những kết quả to lớn nêu trên là nhờ sự quan tâm lãnh đạo chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và sự hỗ trợ tích cực của các cấp, các ngành, các địa phương, sự nỗ lực, cố gắng của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn huyện, đặc biệt là sự đồng lòng ủng hộ, đoàn kết, tự lực tự cường của đồng bào các dân tộc huyện nhà”.
Địa danh sóc Bom Bo - một hậu phương vững chắc của cách mạng, trong chiến tranh đồng bào S’tiêng bản địa nơi đây ngày đêm giã gạo nuôi quân; sẵn sàng ăn củ rừng để nhường gạo, ăn tro để nhường muối cho bộ đội. Xuất phát từ tấm lòng yêu nước đó, nhạc sĩ Xuân Hồng đã viết lên ca khúc “Tiếng chày trên sóc Bom Bo” và đã đi vào lòng người của bao thế hệ người Việt. |
Theo ông Vũ Lương, mặc dù đã có những bước tiến dài, tuy nhiên Bù Đăng vẫn còn đó những khó khăn, thách thức như: cơ sở hạ tầng vẫn còn nhiều điểm chưa đồng bộ, nhiều công trình cần được xây mới, nâng cấp và cần nguồn lực lớn để đầu tư trong khi các nguồn lực của huyện còn nhiều khó khăn, hạn chế; hộ nghèo hộ nghèo, hộ khó khăn vẫn còn nhất là trong đồng bào dân tộc thiểu số. Nhiều vấn đề về nâng cao dân trí, giải quyết việc làm, nâng cao thể trạng và đẩy lùi các hủ tục, các tệ nạn xã hội cần tiếp tục được quan tâm và tổ chức thực hiện tốt hơn nữa. Bù Đăng là huyện giàu tiềm năng và có nhiều lợi thế về đất đai, khí hậu, hội tụ nhiều nét đẹp văn hóa truyền thống các dân tộc; có nhiều danh lam thắng cảnh tự nhiên… nhưng chưa phát huy hết tiềm năng hiệu quả. Từ những khó khăn trên, trong thời gian tới, với sự tiếp tục quan tâm của tỉnh, của các địa phương, doanh nghiệp, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Bù Đăng tiếp tục đoàn kết, quyết tâm, đồng lòng phát huy bản sắc, phát huy ý chí tự lực, tự cường, khát vọng vươn lên xây dựng huyện nhà phát triển ngày càng giàu đẹp theo hướng “Cuộc sống xanh, điểm đến bình yên”.