Xây dựng nông thôn mới là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm mục đích tạo sự thay đổi một cách căn bản đời sống kinh tế - xã hội khu vực nông thôn theo hướng nông thôn có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ, theo quy hoạch, xã hội nông thôn dân chủ, ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; môi trường sinh thái được bảo vệ; an ninh trật tự được giữ vững; đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao theo định hướng xã hội chủ nghĩa
Để thực hiện thành công mục tiêu trên, bên cạnh những giải pháp cơ bản thì từ các tổ chức Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội có vai trò quan trọng trong công tác tuyên truyền với phương châm “đi trước một bước”. Triển khai thực hiện tốt công tác tuyên truyền sẽ giúp đông đảo người dân hiểu rõ ý nghĩa, vai trò, mục tiêu, nội dung, phương pháp, kết quả thụ hưởng trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, từ đó tạo sự đồng thuận, chung tay của cả hệ thống chính trị và người dân tích cực tham gia phong trào.
Kinh nghiệm qua gần 15 năm triển khai xây dựng nông thôn mới ở Bình Phước, công tác tuyên truyền luôn được quan tâm thực hiện theo đúng tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Trước hết, phải tuyên truyền, giải thích… Phải chịu khó nói rõ cho mọi người hiểu đời sống mới có ích thế nào, cách thi hành đời sống mới thế nào. Nói một lần họ chưa hiểu thì nói nhiều lần. Nói đi, nói lại, bao giờ người ta hiểu, người ta làm mới thôi. Nói thì phải nói một cách giản đơn, thiết thực với hoàn cảnh mỗi người; nói sao cho người ta nghe rồi làm được ngay. Việc dễ, việc nhỏ làm được rồi, sẽ nói đến việc to, việc khó”. Công tác tuyên truyền được các cấp, các ngành quan tâm với nhiều hình thức đa dạng thông qua hệ thông phát thanh, truyền hình, báo chí, mạng xã hội, các phương tiện pano, áp phích, tờ rơi, các cuộc thi, hội diễn... Phát động, triển khai sâu rộng và thiết thực phong trào thi đua “Chung sức xây dựng nông thôn mới”; Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”… Xây dựng hệ thống và tăng cường các kênh truyền thông tương tác thông qua việc ứng dụng các công nghệ mới về thông tin truyền thông như mạng xã hội, ứng dụng giải trí trên thiết bị thông minh, công nghệ thực tế ảo... nhằm nâng cao sự tương tác và tham gia của người dân; tạo các kênh truyền thông hai chiều, vừa đảm bảo mục tiêu tuyên truyền của cơ quan quản lý nhà nước vừa tiếp nhận thông tin, phản ánh của người dân về quá trình thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới.
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức hội nghị tuyên truyền xây dựng nông thôn mới nâng cao tại xã Nha Bích, thị xã Chơn Thành
Từ công tác tuyên truyền, người dân đã tin tưởng, hiến hàng trăm hecta đất, hàng ngàn ngày công; tham gia làm đường giao thông nông thôn, thu gom và phân loại rác thải tại nguồn; chỉnh trang nhà cửa, vệ sinh đường làng, ngõ xóm đảm bảo cảnh quan, môi trường trong khu dân cư; trồng hoa, cây xanh dọc các tuyến đường giao thông, trường học, tạo cảnh quan môi trường sáng - xanh - sạch - đẹp... Qua đó, góp phần tạo sức lan tỏa sâu rộng nội dung thực hiện Chương trình; người dân biết, hiểu, tin tưởng và làm theo, để chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới ở Bình Phước đạt được những kết quả khích lệ. Tính đến hết ngày 31/10/2024, toàn tỉnh đã có 73/86 xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới, trong đó có 23 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; có 03/11 đơn vị cấp huyện hoàn thành xây dựng nông thôn mới; bình quân toàn tỉnh có 18,6 tiêu chí; hướng tới mục tiêu có 100% xã trong tỉnh được công nhận nông thôn mới trong năm 2025.
Tiếp tục xây dựng nông thôn mới “toàn diện, nâng cao và bền vững” với phương châm “xây dựng nông thôn mới chỉ có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc”, đặc biệt là phấn đấu thực hiện thành công mục tiêu về xây dựng nông thôn mới mà Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra... Cùng với đó, để hỗ trợ cho các địa phương đã đạt chuẩn tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí và phấn đấu đạt nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu để đảm bảo phát triển bền vững. Cần thực hiện một số nội dung liên quan đến công tác tuyên truyền như sau:
Một là, Xác định định hướng tuyên truyền, những nội dung trọng tâm trong công tác tuyên truyền cả giai đoạn, từng năm; quá trình tổ chức thực hiện phải có sự lãnh đạo, chỉ đạo từ cấp ủy đảng các cấp, chính quyền địa phương; được chỉ đạo, thống nhất từ tỉnh đến cơ sở.
Hai là, Đổi mới hình thức tuyên truyền để phù hợp với tình hình mới là việc làm cần thiết, nhằm nâng cao hiệu quả tuyên truyền; quan tâm đan xen giữa các hình thức với nhau để phù hợp với từng đối tượng, từng địa phương và không gian, thời gian tuyên truyền, từ đó đưa chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đi vào cuộc sống một cách hiệu quả, chất lượng.
Mạnh dạn ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, đa dạng hình thức, cách thức trong công tác tuyên truyền, vận động xây dựng nông thôn mới.
Ba là, công tác tuyên truyền phải luôn đi trước một bước, tổ chức và vận động sự tham gia của các cơ quan, đơn vị, ban, ngành, đoàn thể của hệ thống chính trị, của tất cả các lực lượng, phát huy vai trò chủ thể của nông dân. Các cấp chính quyền tuyên truyền, vận động sự tham gia và đóng góp về nguồn lực của doanh nghiệp, các tổ chức xã hội và cá nhân, cũng như có sự ghi nhận và biểu dương kịp thời đối với những đóng góp của tổ chức và cá nhân trong quá trình xây dựng nông thôn mới.
Bốn là, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực, nghiệp vụ đối với cán bộ, công chức thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, vận động, theo dõi chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ tuyên truyền viên, báo cáo viên thực sự nhạy bén, tinh thông, có chuyên môn, không chỉ tuyên truyền, định hướng dư luận mà còn phản bác lại những thông tin sai trái của các thế lực thù địch.
Năm là, tập trung xây dựng những mô hình nông thôn mới đa dạng, điển hình, tiêu biểu, có tính đặc thù cho các vùng miền, ngành nghề… Lan tỏa mạnh mẽ các điển hình, tiêu biểu. Tiếp tục tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân nâng cao chất lượng các tiêu chí, phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu để đảm bảo phát triển bền vững./.
Tác giả: L. Hùng
Ý kiến bạn đọc