Thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, cùng với chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng, thời gian qua, tỉnh Bình Phước đã quan tâm thu hút, ưu tiên đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, canh tác tự nhiên, từ đó góp phần quan trọng thay đổi diện mạo các vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh đã tham mưu ban hành Đề án sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030, cùng nhiều chính sách hỗ trợ ngiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào phát triển nhiều loại cây trồng chủ lực trên địa bàn. Nhờ đó đã đẩy mạnh phát triển sản xuất quy mô lớn theo hướng hàng hóa, có liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Tập huấn chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh trên cây điều cho nông dân xã Long Tân, huyện Phú Riềng
Trên cơ sở các chính sách đã ban hành, kết hợp với những tiềm năng, lợi thế về điều kiện đất đai, khí hậu, Bình Phước đã có nhiều giải pháp để hỗ trợ người dân ứng dụng công nghệ cao, quy trình sản xuất hữu cơ, canh tác tự nhiên, liên kết sản xuất theo chuỗi... gắn với các sản phẩm chủ lực, có lợi thế cạnh tranh, sản phẩm OCOP của tỉnh. Từng bước tạo dựng được những sản phẩm có thương hiệu, giá trị trên thị trường như cao su, điều, tiêu, chuối cấy mô... giúp thay đổi đời sống người dân khu vực nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới bền vững.
Qua 2 năm triển khai thực hiện đề án, cơ bản các mục tiêu theo kế hoạch của UBND tỉnh đang được các sở, ngành, địa phương triển khai đúng tiến độ. Đến nay, toàn tỉnh có hơn 14.000 ha sản xuất sạch trên cây điều, hồ tiêu, cây ăn quả và hoa màu, lúa. Trong đó, sản xuất sạch trên cây điều được 6.628 ha, hồ tiêu sạch 2.535 ha, sản xuất sạch trên cây ăn quả 4.500 ha, trên cây rau, lúa đạt 500 ha. Ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi heo đạt 291/421 trại nuôi. Tập trung xây dựng vùng chăn nuôi gia súc an toàn dịch bệnh tại thị xã Chơn Thành, huyện Hớn Quản và duy trì thành công ở 6 vùng chăn nuôi gia súc, gia cầm ở các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh.
Toàn tỉnh đã có 136 sản phẩm được cấp giấy chứng nhận OCOP đạt hạng từ 3 sao đến 5 sao, trong đó có 3 sản phẩm hạng 5 sao, 55 sản phẩm hạng 4 sao, 78 sản phẩm đạt hạng 3 sao. Có 83 chủ thể tham dự xây dựng, đăng ký tham gia chương trình, gồm 37 doanh nghiệp, 17 hợp tác xã, 29 hộ/cơ sở sản xuất kinh doanh...
Nông dân xã Minh Lập sử dụng máy bay không người lái để chăm sóc cây sầu riêng
Tuy nhiên, việc thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao gắn với chế biến còn rất khiêm tốn so với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh; công nghệ chế biến nông sản chưa cao, sản phẩm chế biến sâu còn hạn chế; sản xuất nông nghiệp chủ yếu quy mô nhỏ, phân tán, chất lượng chưa cao do việc hợp tác liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm còn yếu. Việc xây dựng thương hiệu, nhãn mác bao bì, truy xuất nguồn gốc còn hạn chế, đa số các sản phẩm làm ra chưa đăng ký cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm, VietGAP, GloBalGAP, hữu cơ, xây dựng nhãn hàng hóa...
Để đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, làm bệ đỡ cho nông thôn phát triển mạnh mẽ và bền vững, thời gian tới Bình Phước cần triển khai đồng bộ một số giải pháp sau:
Thứ nhất, cần xác định đúng công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển trong sản xuất nông nghiệp hiện nay gồm gồm công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ tự động hóa... để ưu tiên tập trung đầu tư.
Thứ hai, một quy trình sản xuất có thể ứng dụng công nghệ cao ở từng công đoạn (có thể là giống mới có tiềm năng năng suất cao, chất lượng tốt, công nghệ nhà kính, kỹ thuật tưới tiêu mới, phân bón sinh học hữu cơ cho hiệu quả cao, biện pháp phòng trừ sâu bệnh mới hiệu quả cao và an toàn, công nghệ xử lý bảo quản sau thu hoạch hiện đại) nhưng chưa đồng bộ trong suốt chuỗi cung ứng, do đó cần đầu tư đồng bộ để có hiệu quả cao nhất.
Thứ ba, công nghệ cao chỉ phát huy tốt hiệu quả khi sản xuất mang tính công nghiệp, đầu tư ứng dụng công nghệ cao đòi hỏi nhiều vốn và quy mô sản xuất tương ứng, trình độ sản xuất tương ứng, trong khi sản xuất nông nghiệp hiện nay còn nhỏ lẻ, manh mún và tự phát của hộ nông dân. Vì vậy, cần khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để hình thành các trang trại, gia trại và thành lập các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thúc đẩy sản xuất hàng hóa lớn ở quy mô công nghiệp; cần có định hướng tổ chức phát triển sản xuất, tiếp thị liên kết dưới các hình thức hợp tác xã kiểu mới hoặc công ty liên doanh, … để có quy mô tài chính và điều kiện sản xuất đủ lớn cho đầu tư ứng dụng công nghệ cao, trình độ quản lý cũng cần được nâng cao.
Thứ tư, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đủ mạnh để đáp ứng nhu cầu phát triển trong tình hình mới theo hình thức đào tạo, đào tạo lại đội ngũ cán bộ làm công tác khuyến nông; phối hợp các nhà khoa học, các viện, trường, các doanh nghiệp tổ chức các hội nghị, diễn đàn, hội thảo khoa học về công nghệ sinh học tạo điều kiện cho nông dân tiếp cận khoa học kỹ thuật mới áp dụng vào sản xuất phù hợp điều kiện thực tế của địa phương và phù hợp với xu hướng tất yếu của thị trường.
Thứ năm, có chính sách hỗ trợ cho người nông dân tiếp cận nguồn vốn, khoa học kỹ thuật để có thể mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp; định hướng xây dựng thương hiệu sản phẩm cũng như hỗ trợ đầu ra ổn định để yên tâm sản xuất.
Trong bối cảnh hội nhập nhiều cơ hội nhưng cũng đầy thách thức hiện nay, sản xuất nông nghiệp cần phát triển theo hướng công nghiệp ứng dụng công nghệ cao, có hiệu quả cao, tạo sản phẩm hàng hóa có chất lượng tốt, có khả năng cạnh tranh; khi đầu tư ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp cần nghiên cứu kỹ tính đặc thù của sản xuất nông nghiệp là phụ thuộc nhiều vào điều kiện ngoại cảnh, công nghệ cao được ứng dụng phải phù hợp với điều kiện cụ thể của từng vùng. Để ứng dụng công nghệ cao một cách có hiệu quả, cần đầu tư cải thiện đồng bộ các yếu tố công nghệ trong suốt chuỗi cung ứng hàng hóa và tổ chức sản xuất, tiếp thị có quy mô tương xứng.
Tác giả: L. Hùng
Ý kiến bạn đọc