Lúc chúng tôi đến thăm, tại Nhân Nghĩa Đường, phòng mạch riêng của gia đình anh ở khu phố Phước Tân, phường Tân Thiện, TP. Đồng Xoài khi ấy có 4 bệnh nhân. Sau khi khám bệnh, bác sĩ Nghĩa lần lượt thực hiện các công đoạn như châm cứu, chiếu đèn hồng ngoại, xoa bóp bấm huyệt, nắn chỉnh… với từng bệnh nhân. Khi hỏi chuyện mới biết bệnh nhân tại Nhân Nghĩa Đường đều là người nghèo. Có trường hợp bán vé số, người thất nghiệp hay lao động tự do và cao tuổi lại mắc toàn những bệnh rất nặng như tai biến mất khả năng lao động hoặc mãn tính như mất ngủ, căng thẳng… Họ cho biết, “may mà gặp bác sĩ Nghĩa chứ chữa trị bệnh riết nghèo luôn”. Hiểu được sự lo toan trong suy nghĩ của bệnh nhân, bác sĩ Nghĩa luôn miệng động viên: “Không sao đâu anh, nhà tui hồi xưa nghèo hơn anh bây giờ đó”.
Bác sĩ Phan Văn Nghĩa điều trị cho bệnh nhân bị tai biến tại phòng mạch Nhân Nghĩa Đường
Anh Đặng Văn Bình (tổ 1, thôn Phú Cường, xã Phú Riềng, huyện Phú Riềng) sinh năm 1968 nhưng nhìn già hơn so với tuổi. Anh Bình kể: “Năm 49 tuổi, tôi bị tai biến. Lúc bệnh, tôi ở một mình không có ai chăm sóc, không đi làm được nên không có tiền thuốc thang đầy đủ. Mãi đến 1 năm sau mới may mắn gặp được bác sĩ Nghĩa. Ngoài điều trị, bác sĩ Nghĩa còn thường xuyên động viên tinh thần để tôi kiên trì chữa bệnh; đồng thời hỗ trợ một số vốn giúp tôi đi bán vé số có thu nhập trang trải cuộc sống hằng ngày. Lúc trước, tôi bị liệt nửa người, giờ thì tự làm được nhiều việc hơn rồi. Tôi rất cảm ơn bác sĩ Nghĩa”.
Đồng cảnh ngộ như anh Bình, anh Nguyễn Vinh Quang (47 tuổi, ở ấp 5, xã Minh Thắng, TX. Chơn Thành) bị tai biến xuất huyết não năm 2019, phải cấp cứu tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP. Hồ Chí Minh). Anh Quang cho biết, xuất viện về anh vẫn nằm liệt giường không đi được, ăn uống phải có người chăm sóc. Tình cờ nghe được thông tin về bác sĩ Nghĩa nên anh tìm đến để chữa bệnh. Được bác sĩ Nghĩa điều trị, anh Quang hiện đã đi được, thậm chí không cần chống gậy nữa, đầu óc tỉnh táo. “Bác sĩ Nghĩa hiểu được bệnh trạng của bệnh nhân, được bác sĩ động viên nên tinh thần tôi rất ổn” - anh Quang chia sẻ.
Trao giá trị thực của nghề
Thâm niên trong nghề y 18 năm, có phòng mạch riêng tại nhà, bác sĩ Nghĩa vẫn chủ động tham gia dạy thêm cho các lớp y sĩ y học cổ truyền, tư vấn và kinh doanh sản phẩm về sức khỏe, sắc đẹp để nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Bác sĩ Nghĩa luôn mong muốn phòng mạch Nhân Nghĩa Đường là nơi để anh giúp bà con chữa bệnh và tôn vinh được sứ mệnh của nghề cao quý mà anh đã theo đuổi suốt thời gian qua. Anh Nghĩa cho biết: Ngày trước, tôi học ngành y và muốn về quê phục vụ. Nhưng sau khi lập gia đình, tôi thấy ở đâu nghề này cũng phục vụ bệnh nhân nên về Bình Phước lập nghiệp. Đến bây giờ, tôi thấy lựa chọn của mình là đúng, sống ở đây thoải mái, làm việc tuyến tỉnh tiếp xúc với nhiều bệnh nhân thì tay nghề cũng khá hơn và giúp được nhiều người chữa trị bệnh.
Thích đông y vì gần gũi, cây thuốc có sẵn trong tự nhiên nên anh Nghĩa luôn ưu tiên kê những toa thuốc đông y để bệnh nhân hiểu được giá trị của dược liệu. Với phương châm yêu thương cho đi, bác sĩ Nghĩa luôn tâm niệm làm tốt chuyên môn, không ngừng học hỏi để phát huy, giữ gìn y đức thật tốt và được đi dạy học để chia sẻ kiến thức. “Ngày trước, cuộc sống ở quê nghèo khổ, cha tôi đi bán cá tra giống lấy tên của 2 anh em làm bảng hiệu là Nhân Nghĩa. Tôi đặt tên phòng khám là Nhân Nghĩa Đường để nhớ cha mình. Cái tên còn nhắc tôi phục vụ tận tâm, nghĩa tình với bệnh nhân” - bác sĩ Nghĩa cho biết.
Lúc nhỏ bệnh nhiều, nhà nghèo được chữa trị bằng phương pháp đông y và khỏe mạnh, đến nay bác sĩ Phan Văn Nghĩa đã nuôi dưỡng ước mơ nghề y thành công. Tại bệnh viện hay phòng mạch của gia đình, anh đều thực hiện phương châm giúp đỡ tận tình người bệnh bởi “y học cổ truyền là lối đi tốt cho bệnh nhân nghèo”.
Tác giả: BPO
Ý kiến bạn đọc