“Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”: Bản hùng ca bất diệt!

Thứ bảy - 17/12/2022 17:42 754 0
Dẫu phải chịu nhiều tổn thất, hy sinh, nhưng với tinh thần chiến đấu dũng cảm, ngoan cường, nhất là bản lĩnh dám đánh, quyết đánh và trí thông minh, sáng tạo, cách đánh độc đáo, hiệp đồng chặt chẽ, sử dụng lực lượng hợp lý, nên quân và dân miền Bắc, đặc biệt là Thủ đô Hà Nội đã làm nên chiến thắng lịch sử, đập tan sức mạnh không lực Mỹ, đánh bại cuộc tập kích đường không quy mô lớn chưa từng có chủ yếu bằng B-52, làm nên chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”…
Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không 1972” đóng vai trò quyết định trực tiếp buộc chính phủ Mỹ phải ký kết Hiệp định Paris (27/1/1973) về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Lần đầu tiên trong chiến tranh, quân dân Việt Nam đã tổ chức thực hiện thành công một chiến dịch phòng không quy mô lớn, bắn rơi tại chỗ số lượng nhiều nhất máy bay B-52, tạo sự bất ngờ lớn và nỗi kinh hoàng cho phía Mỹ, đồng thời làm chấn động dư luận thế giới.

Quá trình chuẩn bị của quân dân Việt Nam

Sau trận đánh máy bay B-52 không thành công tại Hải Phòng (16/4/1972), Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam rút ra những nhận xét rất chính xác: thứ nhất, khả năng Mỹ sử dụng B-52 đánh lớn vào Hà Nội sẽ trở thành hiện thực trong một thời gian không xa, do đó, việc rà soát lại các phương án đánh B-52 bảo vệ Hà Nội và những mục tiêu quan trọng khác càng trở nên cấp thiết. 

Thứ hai, muốn bắn hạ được B-52, ta không thể dựa vào những kinh nghiệm cũ mà cần phải đi sâu nghiên cứu địch trên tất cả các mặt, nhất là về chiến thuật, kỹ thuật để tìm ra cách đánh mới phù hợp. 

Đặc biệt, việc tìm ra dải nhiễu B-52 để xác định đúng "mục tiêu B-52” sẽ trở thành yếu tố then chốt cho kết quả thắng - thua. Thứ ba, việc đến thời điểm này, chưa có đơn vị tên lửa nào của ta bắn rơi tại chỗ máy bay B-52, cũng như thắng lợi tạm thời của Mỹ trong trận đánh Hải Phòng vừa qua sẽ khiến địch càng dễ chủ quan; quân dân ta có thêm điều kiện để giành chiến thắng. 
 
Tự vệ Nhà máy Y Hà Nội ngày đêm nêu cao tinh thần cảnh giác, luyện tập sẵn sàng chiến đấu, bắn rơi máy bay Mỹ gây tội ác ở thủ đô trong 12 ngày đêm tháng 12/1972

Những nhận xét này đã đặt nền tảng cho một quá trình chuẩn bị khoa học của bộ đội phòng không Quân đội nhân dân Việt Nam. Đến giữa tháng 11/1972, trước thái độ lật lọng của phía Mỹ và chính quyền Sài Gòn trên bàn đàm phán tại Hội nghị Paris, Bộ Chính trị họp bàn, khẳng định quyết tâm đánh bại mọi hành động leo thang chiến tranh của Mỹ trong bất kỳ tình huống nào, tiếp tục đưa sự nghiệp kháng chiến của nhân dân ta giành thắng lợi to lớn hơn nữa. 

Ngày 22/11/1972, Trung đoàn tên lửa 263 của ta bắn trúng máy bay B-52 của Mỹ và rơi gần biên giới Lào - Thái Lan (cách vị trí bắn khoảng 200 km). Đây là chiến công có ý nghĩa rất quan trọng, mở ra khả năng ta hoàn toàn có thể bắn rơi tại chỗ nhiều máy bay B-52 của Mỹ, cổ vũ động viên tinh thần to lớn cho quân dân Việt Nam.
 

Dựa trên kinh nghiệm rút ra từ thực tiễn chiến đấu và những hiểu biết ngày càng nhiều về vũ khí, khí tài cùng thủ đoạn hoạt động của địch, tài liệu "Cách đánh B-52” sau nhiều lần bổ sung hoàn chỉnh được ban hành (11/1972), giúp các đơn vị phòng không, không quân thống nhất về tư tưởng và cách đánh, từ đó nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu.

 Bên cạnh đó, các mặt công tác bảo đảm, nhất là bảo đảm kỹ thuật được xúc tiến một cách có hiệu quả. Ta khẩn trương xây dựng một số sân bay dã chiến bí mật ở vòng ngoài; bố trí thêm nhiều trận địa nghi binh, trận địa dã chiến cho bộ đội tên lửa, bộ đội cao xạ cơ động; bố trí thêm một số trạm ra-đa nhằm "tăng độ dài cánh sóng”,...

Tại các địa phương, lực lượng dân quân tự vệ được trang bị thêm nhiều loại súng máy, pháo cao xạ và phương tiện cấp cứu. Hệ thống công sự chiến đấu, hầm hào ẩn nấp được sửa chữa hoặc xây dựng thêm. Việc sơ tán các kho hàng, sơ tán nhân dân ở Hà Nội, Hải Phòng được tiến hành khẩn trương. Toàn bộ lực lượng tham gia chiến dịch phòng không Hà Nội - Hải Phòng bao gồm: 6 trung đoàn tên lửa phòng không, 4 trung đoàn không quân tiêm kích, 16 trung đoàn và 22 tiểu đoàn pháo phòng không, 4 trung đoàn ra-đa, 346 đơn vị pháo và súng máy phòng không của bộ đội địa phương và dân quân tự vệ, dưới sự chỉ huy trực tiếp của Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân. Có thể khẳng định: kế hoạch chuẩn bị đánh trả và phòng tránh máy bay B-52 của quân dân Việt Nam đã được triển khai rất tích cực, chủ động và công phu, vượt ra ngoài những toan tính của kẻ thù.

“Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” - chiến thắng của bản hùng ca về đỉnh cao bản lĩnh, trí tuệ Việt Nam

Vào hồi 19 giờ 10 phút ngày 18/12/1972, hệ thống ra-đa của ta bắt được tín hiệu máy bay B-52 địch đầu tiên hướng về Hà Nội, mở đầu đòn tập kích chiến lược. 19 giờ 15 phút, Bộ Tổng tư lệnh phát lệnh báo động toàn miền Bắc. Cuộc chiến đấu chính thức bắt đầu. Do phán đoán chính xác âm mưu, hành động của địch, có sự chuẩn bị sớm từ trước, quân dân ta ở Hà Nội và các địa phương bước vào chiến dịch phòng không với tinh thần chủ động, bình tĩnh, tự tin. Lúc 20 giờ 13 phút, bộ đội tên lửa của ta bắn hạ chiếc B-52 đầu tiên của chiến dịch (rơi tại Phù Lỗ, Đông Anh, Hà Nội). 
 
Người dân thủ đô chăm chú theo dõi tin chiến thắng qua báo chí hàng ngày và các bảng thông tin, trong những ngày Mỹ đánh phá ác liệt cuối tháng 12/1972.

Tin chiến thắng lập tức được truyền đi khắp trận địa. Với quyết tâm "bắn rơi tại chỗ, bắt sống giặc lái B-52, tiến đến đánh bại hoàn toàn cuộc tập kích của không quân Mỹ”, lực lượng phòng không của ta tổ chức hiệp đồng chặt chẽ, phát huy sức mạnh tổng hợp đưa nghệ thuật tác chiến phòng không lên một bước phát triển cao. Các đơn vị ra-đa có nhiều sáng tạo về kỹ - chiến thuật kịp thời phát hiện cảnh báo sớm mục tiêu B-52. Bộ đội tên lửa thực hiện cách đánh trong nhiễu đạt hiệu suất cao, là lực lượng chủ yếu tiêu diệt B-52, tạo nên bất ngờ lớn đối với địch. Các đơn vị không quân tiêm kích phát huy cách đánh dũng cảm, mưu trí tiêu diệt nhiều máy bay cường kích, đồng thời bắn rơi cả máy bay B-52. Bộ đội pháo cao xạ tích cực đánh trả máy bay cường kích ném bom, bảo vệ an toàn cho trận địa tên lửa. Bộ đội địa phương, dân quân tự vệ triển khai hỏa lực chiến đấu trên địa bàn rộng lớn tạo nên hệ thống lưới lửa đánh máy bay tầm thấp rất lợi hại... 

Ngay trong đêm đầu tiên (18/12), bộ đội ta đã lập chiến công to lớn: bắn rơi 7 máy bay địch, trong đó có 3 máy bay B-52 (2 chiếc rơi tại chỗ), mở ra khả năng đánh bại hoàn toàn cuộc tập kích của địch. Những ngày tiếp theo, ta tiếp tục bắn rơi thêm nhiều B-52 (đêm 20/12 bắn rơi 7 chiếc; đêm 26/12 bắn rơi 8 chiếc,...) cùng các loại máy bay chiến thuật khác. Bị tổn thất nặng nề, đến sáng ngày 30/12/1972, Richard Nixon buộc phải tuyên bố chấm dứt cuộc tập kích đường không chiến lược vào Hà Nội, Hải Phòng, chấp nhận nối lại đàm phán với ta tại Hội nghị Paris.

Trong 12 ngày đêm đánh trả cuộc tập kích đường không Lainơbếchcơ II của đế quốc Mỹ, quân và dân ta đã tập trung phần lớn lực lượng phòng không chủ lực cho chiến dịch, gồm 14 tiểu đoàn tên lửa tầm cao S-75 Đờvina, 50 máy bay tiêm kích MiG và một hệ thống pháo phòng không các loại; cùng 1.428 khẩu pháo, súng máy phòng không của dân quân, tự vệ phối hợp; huy động 54.000 cán bộ, chiến sĩ và dân quân tự vệ chiến đấu, phục vụ chiến đấu, đối chọi với lực lượng không quân, hải quân khổng lồ của Mỹ. Dư luận phương Tây gọi chiến thắng này là trận "Điện Biên Phủ trên không”. Lần đầu tiên trong chiến tranh, quân dân Việt Nam đã tổ chức thực hiện thành công một chiến dịch phòng không quy mô lớn, bắn rơi tại chỗ số lượng nhiều nhất máy bay B-52, tạo sự bất ngờ lớn và nỗi kinh hoàng cho phía Mỹ, đồng thời làm chấn động dư luận thế giới. Bản thân Richard Nixon cũng thú nhận: "Mối lo lớn nhất của tôi không phải là làn sóng phê phán đến từ trong nước cũng như ngoài nước như đã dự kiến mà là tầm quan trọng của những tổn thất bằng B-52” (trích Hồi ký Richard Nixon).

Dẫu phải chịu nhiều tổn thất, hy sinh, nhưng với tinh thần chiến đấu dũng cảm, ngoan cường, nhất là bản lĩnh dám đánh, quyết đánh và trí thông minh, sáng tạo, cách đánh độc đáo, hiệp đồng chặt chẽ, sử dụng lực lượng hợp lý, nên quân và dân miền Bắc, đặc biệt là Thủ đô Hà Nội đã làm nên chiến thắng lịch sử, đập tan sức mạnh không lực Mỹ, đánh bại cuộc tập kích đường không quy mô lớn chưa từng có chủ yếu bằng B-52, làm nên chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”…

Thua đau trước tinh thần chiến đấu dũng cảm, kiên cường, thế trận chiến tranh nhân dân rộng khắp, trước bản lĩnh và trí tuệ, truyền thống đánh giặc giữ nước của con người Việt Nam trên bầu trời Hà Nội, buộc nhà cầm quyền Mỹ đã phải tuyên bố ngừng ném bom từ vĩ tuyến 20 trở ra và chấp nhận trở lại bàn đàm phán. Ngày 27/1/1973, Mỹ phải ký Hiệp định Pa-ris, cam kết “Chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam”. 

Tác giả: Anh Đức

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

lịch làm viec
tai lieu sinh hoat cb
Tài liệu chỉ thị 05
Sổ tay đảng viên điện tử
Fanpage Tuyên Giáo BP
OAZALO
hien ke BP
Văn bản mới

112-HD/BTGTU

Hướng dẫn tuyên truyền kỷ niệm 120 năm Ngày sinh đồng chí Trần Phú, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (01/5/1904-01/5/2024)

lượt xem: 82 | lượt tải:78

111-HD/BTGTU

Hướng dẫn tuyên truyền kỷ niệm 70 năm Ngày ký Hiệp định Giơnevơ về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam (21/7/1954-21/7/2024)

lượt xem: 289 | lượt tải:129

109-HD/BTGTU

Hướng dẫn tuyên truyền kỷ niệm 49 năm Ngày giải phóng tỉnh Bình Phước (23/3/1975-23/3/2024)

lượt xem: 174 | lượt tải:103
Lịch su đang bo BP
DIA CHI
lich su tuyen giao
Thống kê
  • Đang truy cập65
  • Hôm nay23,001
  • Tổng lượt truy cập8,622,187
Liên kết
QC_csln
qc_cspr
QC_csdp
QC_CSSB
QC_BHXH
Cty dien luc
QC-thue
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây