Kỷ niệm 78 năm Ngày Nam Bộ kháng chiến (23-9-1945 / 23-9-2023): Vẻ vang danh hiệu “Thành đồng Tổ quốc” 

Thứ bảy - 23/09/2023 04:39 859 0
Cách đây 78 năm, ngày 23/9/1945, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, Xứ ủy, Ủy ban Nhân dân và Ủy ban kháng chiến Nam Bộ đã kịp thời phát động quân và dân Nam Bộ mở đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Nam Bộ trở thành tiền tuyến của cả nước, thể hiện khí phách anh hùng, ý chí quyết tâm bảo vệ độc lập, tự do của Tổ quốc, dũng cảm chiến đấu chống lại kẻ thù xâm lược, tạo điều kiện cho Đảng và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có thời gian chuẩn bị cho cuộc kháng chiến lâu dài.
Chỉ ba tuần sau ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Nhân dân Nam Bộ đã phải tiếp tục cầm súng đứng lên chiến đấu để giữ vững nền độc lập của Tổ quốc. Trước đó, dựa vào quân đội Anh với danh nghĩa lực lượng đồng minh vào giải giáp quân Nhật ở Nam Bộ, thực dân Pháp âm mưu quay trở lại xâm lược đất nước ta lần thứ hai. Ngày 02/9/1945, khi đoàn mít tinh ở Sài Gòn biểu thị đoàn kết xung quanh chính quyền cách mạng, mừng Tổ quốc độc lập và khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, thì bọn phản động, tay sai đã phá rối, nổ súng khiến hàng chục người chết. Lấn dần từng bước, ngày 13/9/1945, quân đội Anh chiếm đóng Nam Bộ phủ và dung túng quân Pháp tiến hành các hành động khiêu khích. Ngày 20/9, quân Anh ngang nhiên xông vào Khám Lớn thả tù binh Pháp và trang bị vũ khí cho bọn này.

Rạng sáng ngày 23/9/1945, được sự giúp đỡ của quân đội Anh, thực dân Pháp nổ súng tiến công Sài Gòn, mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược nước ta lần thứ hai.

Trước tình hình quân Anh và Pháp đe dọa trắng trợn, dưới sự chỉ đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, trực tiếp là Xứ ủy và Ủy ban nhân dân Nam Bộ (từ ngày 23-9-1945 đổi tên là Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ), quân và dân Sài Gòn-Chợ Lớn dù rất căm phẫn nhưng hết sức kiềm chế và gấp rút chuẩn bị lực lượng chiến đấu, quyết tâm bảo vệ nền độc lập, tự do vừa giành được.

Để tránh sự khiêu khích, xung đột vũ trang do địch gây ra, từ ngày 20-9, các đơn vị vũ trang tập trung tự xưng là Cộng hòa vệ binh và dân quân cách mạng được lệnh rút khỏi nội thành ra vùng ngoại ô; đồng thời, những người già và trẻ em được chuyển từ trong thành phố ra vùng căn cứ, nông thôn.
 
Nhân dân Nam Bộ nổi dậy kháng chiến chống thực dân Pháp. Ảnh tư liệu

Trước đối tượng tác chiến mạnh hơn, ta đã chủ động chuẩn bị trước một bước về lực lượng vũ trang, tuy trang bị vũ khí còn thô sơ nhưng được tổ chức, bố trí phù hợp ở nội và ngoại thành Sài Gòn, nhất là trên các địa bàn trọng điểm, sẵn sàng đánh địch nếu chúng gây xung đột quân sự.

Từ 0 giờ ngày 23 đến hết ngày 24-9-1945, các đơn vị lực lượng vũ trang ta đã chiến đấu kịp thời, ngăn chặn địch tiến công ở dinh Đốc lý, đường Verdun (nay là đường Cách Mạng Tháng Tám), đường Norodom (nay là đường Lê Duẩn), ga xe lửa, cầu Ông Lãnh, chợ Bến Thành, trụ sở Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ, gây cho quân Pháp một số thiệt hại.

Tiếp đó, lực lượng vũ trang ta được nhân dân hỗ trợ, lợi dụng những công trình kiến trúc (nhà cửa, cầu cống) của thành phố lớn, những “chiến lũy” được cấp tốc dựng lên, luồn lách, khi ẩn khi hiện dùng cách đánh nhỏ lẻ, bất ngờ giáng trả quân địch. Tiêu biểu như ở cột cờ Thủ Ngữ, tiểu đội bảo vệ của ta chỉ có súng săn, dao găm, lựu đạn nhưng đã chống lại một đại đội quân Anh.

Một đại đội dân quân theo đường Verdun tiến vào trung tâm thành phố, chiếm chợ Bến Thành và tiến ra đại lộ Bonard (nay là đại lộ Lê Lợi), bắn vào các vị trí quân địch. Một số đội tự vệ vượt kênh Tàu Hủ đánh địch ở đường De la Somme (nay là đường Hàm Nghi)... Chỉ trong tuần đầu, quân dân Sài Gòn đã loại khỏi vòng chiến đấu 300 tên địch, đốt cháy 138 xí nghiệp và công sở lớn, phá hủy 22 kho tàng, 81 tàu, thuyền, 200 xe hơi, 20 đầu máy xe lửa...

Bước đầu, ta đã ngăn chặn, kìm giữ hiệu quả; địch chỉ chiếm được một số vị trí, công sở chủ yếu, chúng chưa thể mở rộng đánh chiếm ra các nơi khác trong thành phố.

Từ cuối tháng 9 và tháng 10-1945, các lực lượng vũ trang ta thực hiện “trong đánh, ngoài vây”, “trong ngoài cùng đánh”. Tại nội thành, được một số đơn vị vũ trang từ bên ngoài thọc sâu vào phối hợp tác chiến, các đơn vị vũ trang ta chia thành nhiều tổ, đội lợi dụng đêm tối, bí mật vận động tiếp cận, rồi bất ngờ tập kích địch ở đường Catinat (nay là đường Đồng Khởi), Khánh Hội, nhà đèn Chợ Quán, nhà máy rượu... gây cho chúng một số thiệt hại.

Ở vùng ngoại thành, lực lượng vũ trang ta cùng nhân dân bố trí chướng ngại vật, đào chiến hào, lập chiến lũy ngăn chặn địch. Khi chúng nống ra đã bị ta chặn đánh quyết liệt ở cầu Kiệu, cầu Bông, cầu Thị Nghè, cầu Tân Định, cầu Ông Lãnh... Cùng lúc, Chi đội 3 Giải phóng quân là đơn vị hành quân từ miền Bắc vào tận cửa ngõ Sài Gòn, cùng lực lượng vũ trang địa phương chiến đấu, lập chiến công oanh liệt ở cầu Bình Lợi, Xuân Lộc.

Ngày 29/10/1945, trong Lời kêu gọi đồng bào Nam Bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Từ Nam chí Bắc, đồng bào ta luôn luôn sẵn sàng. Mấy triệu người như một, quyết tâm đánh tan quân cướp nước. Không quân đội nào, không khí giới nào có thể đánh ngã được tinh thần hy sinh của toàn thể một dân tộc... Trước nạn ngoại xâm, toàn thể quốc dân đã đoàn kết chặt chẽ thành một khối kiên cố, thành một lực lượng thống nhất mà không một đội xâm lăng nào đánh tan được”. Với khẩu hiệu “Miền Nam là máu của máu Việt Nam, là thịt của thịt Việt Nam”, cả nước đã chi viện tối đa sức người, sức của cho miền Nam. Nhiều đoàn quân Nam tiến được thành lập, Quỹ Nam Bộ kháng chiến ra đời, Nhân dân quyên góp tiền bạc, quần áo, gạo, thuốc men chi viện cho đồng bào Nam Bộ kháng chiến.

Sau hơn một tháng chiến đấu, quân và dân Sài Gòn-Chợ Lớn đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ kìm chân, làm thất bại âm mưu “đánh nhanh thắng nhanh” của địch, tạo điều kiện cho quân và dân Nam Bộ cũng như cả nước chuẩn bị về mọi mặt để kháng chiến lâu dài.

Trước ý chí “thà chết tự do còn hơn sống nô lệ” và quyết tâm bảo vệ độc lập, tự do của Nhân dân ta, kế hoạch đánh chiếm Sài Gòn trong ba tuần của thực dân Pháp bị phá sản. Ngược lại, chúng bị đồng bào Nam Bộ vây hãm một tháng tròn trong thành phố. Đồng bào miền Nam đã cho thấy họ là những người đầu tiên và là tuyến tiên phong trong công cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc của cả nước, góp phần to lớn vào công cuộc đấu tranh giữ vững chính quyền nhân dân, tạo điều kiện cho cả nước có thêm thời gian củng cố thực lực để bước vào Toàn quốc kháng chiến. Tháng 02/1946, ghi nhận và biểu dương tinh thần chiến đấu kiên cường, bất khuất của quân và dân Nam Bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ đã tặng đồng bào Nam Bộ danh hiệu vẻ vang: “Thành đồng Tổ quốc”.

Cuộc chiến đấu của quân và dân Sài Gòn (nay là TP Hồ Chí Minh) mở đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược lần thứ hai (1945-1954), thể hiện quyết tâm bảo vệ chính quyền và nền độc lập mới giành được; đồng thời để lại nhiều kinh nghiệm quý, trong đó nổi bật là nghệ thuật tổ chức, sử dụng và phát huy sức mạnh chiến đấu của các lực lượng vũ trang tại chỗ ngay từ những ngày đầu kháng chiến.

Tác giả: Gia Phúc

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

lịch làm viec
tai lieu sinh hoat cb
Tài liệu chỉ thị 05
Sổ tay đảng viên điện tử
Fanpage Tuyên Giáo BP
OAZALO
hien ke BP
Văn bản mới

112-HD/BTGTU

Hướng dẫn tuyên truyền kỷ niệm 120 năm Ngày sinh đồng chí Trần Phú, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (01/5/1904-01/5/2024)

lượt xem: 105 | lượt tải:92

111-HD/BTGTU

Hướng dẫn tuyên truyền kỷ niệm 70 năm Ngày ký Hiệp định Giơnevơ về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam (21/7/1954-21/7/2024)

lượt xem: 326 | lượt tải:162

109-HD/BTGTU

Hướng dẫn tuyên truyền kỷ niệm 49 năm Ngày giải phóng tỉnh Bình Phước (23/3/1975-23/3/2024)

lượt xem: 207 | lượt tải:116
Lịch su đang bo BP
DIA CHI
lich su tuyen giao
Thống kê
  • Đang truy cập71
  • Hôm nay11,257
  • Tổng lượt truy cập8,819,757
Liên kết
QC_csln
qc_cspr
QC_csdp
QC_CSSB
QC_BHXH
Cty dien luc
QC-thue
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây