Theo BHXH Việt Nam, đến hết tháng 10-2021, cả nước có hơn 700 ngàn người hưởng BHXH một lần, tăng gấp 1,5 lần so với 6 tháng đầu năm 2021 và tăng 5,45% so cùng kỳ năm 2020. Bình Phước cũng không nằm ngoài thực trạng nêu trên, thậm chí việc thu hút người trong độ tuổi lao động tham gia BHXH năm nay dự báo cũng rất khó đạt chỉ tiêu. Nguyên nhân chủ yếu là do tác động của đại dịch Covid-19, nhiều lao động gặp khó khăn nên đã nhận BHXH một lần để trang trải cuộc sống.
Thực trạng đáng báo động này đã ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động, khiến họ không còn cơ hội được hỗ trợ từ lưới an sinh xã hội khi về già. Đồng thời phải đối mặt với nhiều hệ lụy, như tự tước đi quyền lợi liên quan đến khám, chữa bệnh BHYT; mất cơ hội hưởng lương hưu khi về già, không được hưởng chế độ tử tuất; ảnh hưởng đến cuộc sống của bản thân, gia đình hiện tại và tương lai cũng như chính sách an sinh xã hội chung. Không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động, thực tế này còn ảnh hưởng nghiêm trọng tới tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và “mục tiêu BHXH toàn dân” như Nghị quyết số 28-NQ/TW, ngày 23-5-2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về cải cách chính sách BHXH đã đề ra.
Ngày 30-11, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã ban hành văn bản gửi liên đoàn lao động các tỉnh, thành phố, công đoàn trực thuộc về việc thực hiện một số giải pháp cấp bách để giảm thiểu tình trạng này. Theo đó, tổ chức công đoàn các cấp phải phối hợp BHXH đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến pháp luật về BHXH, BHXH một lần nói riêng để nâng cao hiểu biết và ý thức pháp luật cho đoàn viên và người lao động. Công đoàn các cấp phải đi sâu tìm hiểu, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, xác định nhóm đoàn viên, người lao động có ý định hưởng BHXH một lần để tuyên truyền, vận động, giải thích về những hệ lụy của việc hưởng BHXH một lần…
Tuy nhiên, muốn hạn chế thấp nhất tình trạng này, trách nhiệm không chỉ thuộc về tổ chức công đoàn mà cần sự vào cuộc quyết liệt và đồng bộ của cả hệ thống chính trị và người sử dụng lao động. Trong đó, giải pháp ưu tiên hàng đầu là phải đẩy mạnh các hoạt động chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động. Đồng thời, tăng cường xã hội hóa các nguồn lực, tìm kiếm đối tác tín dụng nhằm hỗ trợ tốt nhất người lao động, giúp họ vượt qua những khó khăn trước mắt, tiếp tục đồng hành với người sử dụng lao động trong sản xuất, kinh doanh.
Song song đó, ngành chức năng cần tăng cường công tác thanh, kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật về BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp, kịp thời phát hiện và kiến nghị xử lý nghiêm các vi phạm. Nhất là hành vi trốn đóng, nợ đóng, gian lận, trục lợi tiền BHXH để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, giúp người lao động an tâm, tiếp tục tham gia, gắn bó lâu dài với hệ thống BHXH.
Tác giả: BPO
Ý kiến bạn đọc