Việc mở rộng mạng lưới trường, lớp mầm non trên địa bàn có khu công nghiệp sẽ đảm bảo thực hiện hiệu quả và giải quyết tốt hơn nữa nhu cầu trường, lớp mầm non ở các khu công nghiệp, đồng thời tạo sự an tâm cho người lao động làm việc tại đây.
Hiện nay, thực trạng thiếu các trường mầm non tổ chức giữ trẻ ngoài giờ tại các khu công nghiệp đang là nỗi lo lắng của hàng ngàn công nhân. Các trường mầm non công lập mới chỉ đáp ứng 55% nhu cầu, 45% nhu cầu còn lại phải dựa vào các cơ sở giáo dục mầm non tư thục. Do đó, việc mở rộng mạng lưới trường, lớp mầm non trên địa bàn có khu công nghiệp sẽ đáp ứng nhu cầu gửi trẻ của người lao động, nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ em và tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục mầm non ở các địa bàn có điều kiện.
Giám đốc Sở GD&ĐT Lý Thanh Tâm trình bày bản dự thảo kế hoạch
phát triển hệ thống trường mầm non, nhóm, lớp mẫu giáo độc lập
ở các khu công nghiệp giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh
Theo kế hoạch phát triển hệ thống trường mầm non, nhóm, lớp mẫu giáo độc lập ở các khu công nghiệp giai đoạn 2021-2025, mục tiêu đến năm 2025 sẽ huy động số trẻ nhà trẻ đến lớp đạt 57,56% và trẻ mẫu giáo đến lớp đạt 97,94%, đồng thời đảm bảo đủ số lượng giáo viên mầm non theo quy định, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục mầm non và thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi.
Dự kiến kinh phí đầu tư xây dựng phòng học, phòng chức năng và các hạng mục khác phục vụ các trường mầm non tại khu công nghiệp của Đồng Xoài, Chơn Thành, Đồng Phú và Lộc Ninh khoảng trên 210 tỷ đồng. Trong đó, xây dựng bổ sung 23 phòng học cho các trường hiện có và xây mới 187 phòng học, phòng chức năng.
Mở rộng mạng lưới trường, lớp mầm non ở khu công nghiệp
sẽ giúp người lao động yên tâm hơn để làm việc
Khẳng định đây là kế hoạch rất cần thiết cho sự phát triển của tỉnh, tại cuộc họp, các Phó chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các huyện, thành phố có khu công nghiệp, khu kinh tế phải xác định rõ nhu cầu trường, lớp gắn với dự báo trong tương lai, đồng thời linh hoạt trong việc kêu gọi nguồn quỹ xã hội hóa để đầu tư xây dựng hệ thống trường, lớp.
Kết luận tại cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuệ Hiền yêu cầu Sở GD&ĐT xây dựng kế hoạch cụ thể cho từng năm. Bên cạnh đó, các cấp, ngành và huyện, thành phố phải tạo điều kiện để các doanh nghiệp thực hiện xã hội hóa, đồng thời sử dụng hiệu quả các công trình hiện có gắn với việc quy hoạch mở rộng trường, lớp phù hợp với đặc thù phát triển của từng khu vực.
Trước đó, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuệ Hiền cùng các Phó chủ tịch UBND tỉnh đã thống nhất với kế hoạch ban hành danh mục tiêu chuẩn, định mức sử dụng máy móc thiết bị chuyên dùng tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn. Đây sẽ là cơ sở cho các cơ sở giáo dục trang bị thiết bị, dụng cụ phù hợp với quy định theo quy mô của từng đơn vị. Tuy nhiên, Sở GD&ĐT cần hoàn thiện, chỉnh sửa một số nội dung, đồng thời phải đảm bảo trình tự ban hành theo quy định.
Tác giả: Thu Thảo - Như Nam (BPO)
Ý kiến bạn đọc
Định hướng công tác tuyên truyền tháng 11/2024
lượt xem: 207 | lượt tải:56Công văn số 1493-CV/BTGTU về định hướng công tác tuyên truyền tháng 9.2024
lượt xem: 315 | lượt tải:96Công văn số 1494-CV/BTGTU tuyên truyền giải báo chí toàn quốc phòng chống tham nhũng, tiêu cực
lượt xem: 273 | lượt tải:71