Trách nhiệm của cán bộ, đảng viên
Hướng dẫn phụ nữ tham gia thanh toán không dùng tiền mặt, cài đặt và sử dụng phần mềm VNeID, hỗ trợ bán nông sản trên các trang MXH, kêu gọi từ thiện giúp đỡ hoàn cảnh khó khăn… những hoạt động này đều được chia sẻ, lan tỏa trên fanpage của Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) thị xã Chơn Thành. Với hơn 1,3 ngàn người theo dõi, tương tác, chia sẻ, fanpage đang được hội tận dụng là kênh thông tin tuyên truyền hiệu quả vì hiệu ứng lan tỏa nhanh, điều mà các phương thức tuyên truyền thủ công trước đây chưa làm được.
Với hơn 1,3 ngàn người theo dõi, tương tác, chia sẻ, trang fanpage của Hội LHPN thị xã Chơn Thành đang được hội tận dụng là một kênh thông tin tuyên truyền hiệu quả vì hiệu ứng lan tỏa nhanh, tức thì
Chị Trần Thị Nhung, Chủ tịch Hội LHPN phường Hưng Long, thị xã Chơn Thành chia sẻ: “Chúng tôi thành lập các nhóm trên Facebook, Zalo để trao đổi thông tin trong công tác hội và phong trào phụ nữ; tuyên truyền hoạt động của hội đến hội viên. Hiện mỗi hội viên đều có điện thoại thông minh nên việc đăng tải và lan tỏa thông tin rất nhanh, công tác tuyên truyền từ đó hiệu quả hơn”.
Việc sử dụng MXH như thế nào để vừa hiệu quả, an toàn vừa góp phần lan tỏa những giá trị tốt đẹp của cuộc sống rất cần vai trò gương mẫu của cán bộ, đảng viên. Thời gian qua, thị xã Chơn Thành đã phát động mỗi cán bộ, đảng viên, công nhân, viên chức trong hệ thống chính trị tận dụng các tài khoản cá nhân mỗi ngày đăng tải hoặc chia sẻ ít nhất một tin vui. Đó là những thông tin tích cực, người thật, việc thật tại nơi ở, nơi làm việc hoặc những thông tin có ý nghĩa về tình hình kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội ở địa phương, đất nước.
Bà Mạc Thị Thanh Bình, Chủ tịch Hội LHPN thị xã Chơn Thành cho biết: Thông qua các trang MXH, hội thường xuyên cập nhật, chia sẻ thông tin về mô hình hay, cách làm hiệu quả; thành lập các nhóm trong hệ thống hội, tạo sự kết nối, tương tác giữa các hội viên phụ nữ, đồng thời là phương tiện để tuyên truyền, giáo dục, nắm bắt dư luận xã hội, tâm tư, nguyện vọng của hội viên phụ nữ.
Nhằm hướng tới “phủ xanh” thông tin trên MXH, chúng tôi từng bước xây dựng thói quen văn hóa lan tỏa năng lượng tích cực ở mỗi cán bộ, đảng viên, viên chức, người lao động. Khi cái đẹp, cái tốt, cái tích cực trở thành dòng thông tin chủ lưu trên MXH thì tự nó sẽ tạo sức mạnh nội sinh đẩy lùi, triệt tiêu thông tin xấu, độc, tiêu cực.
Chủ tịch Hội LHPN thị xã Chơn Thành MẠC THỊ THANH BÌNH |
Xây dựng dòng thông tin chủ lưu
Đối với người trẻ đang sống trong kỷ nguyên số thì MXH đã trở thành phương tiện hữu hiệu kết nối và chia sẻ thông tin rất nhanh. Quản lý số lượng đoàn viên thanh niên đông, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn Bình Phước đã bắt “trend” thị hiếu tiếp cận thông tin của các bạn trẻ để thay đổi hình thức tuyên truyền. Trên fanpage “Tuổi trẻ Bình Phước” của Tỉnh đoàn xây dựng các clip ngắn, bài viết thiết kế theo hướng infographic, nội dung cô đọng, hình ảnh sinh động để thu hút bạn trẻ theo dõi. “Nhiều bạn trẻ đã sử dụng các nền tảng MXH nhằm lan tỏa những thông điệp tích cực tới cộng đồng. Từ những nội dung về lịch sử dân tộc, khơi gợi lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc đến chia sẻ các câu chuyện người tốt, việc tốt nhằm gieo hạt giống nhân ái trong mỗi người được truyền tải bằng nhiều cách khác nhau với tốc độ chia sẻ thông tin nhanh. MXH có 2 mặt, nếu đoàn viên thanh niên biết khai thác, sử dụng hợp lý thì không gian mạng sẽ mang lại hiệu quả rất lớn trong học tập, công tác, sinh hoạt và đời sống xã hội” - chị Đặng Thị Mỹ Lành, Phó trưởng Ban Tuyên giáo thanh thiếu nhi - trường học Tỉnh đoàn cho biết.
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy định hướng cho cán bộ, đảng viên đăng tải,
chia sẻ thông tin tích cực trên mạng xã hội
Giáo dục, nâng cao bản lĩnh chính trị để có thể tự “miễn nhiễm”, nâng “sức đề kháng” và tự bảo vệ mình trước những thông tin xấu, độc cũng như các hình thức, thủ đoạn lừa đảo trên không gian mạng đang được nhiều trường học trang bị. Cô Cao Lệ Tuyết, Phó Hiệu trưởng Trường THCS An Lộc, thị xã Bình Long cho biết: “Ngay từ đầu năm học, trường đã có quy định với giáo viên và phụ huynh về việc sử dụng MXH văn hóa và hiệu quả. Trường thường xuyên định hướng để học sinh sàng lọc những thông tin xấu, độc, không bị lôi kéo vào các hành vi vi phạm pháp luật trên MXH, không tham gia chia sẻ, bình luận, cổ xúy cho những hành động, việc làm thiếu văn hóa trên không gian mạng. Khi phụ huynh và nhà trường chung tay xây dựng một “bức tường lửa” an toàn cho học sinh thì các em sẽ biết tự bảo vệ mình trên MXH”.
Thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, Việt Nam hiện có khoảng 8.000 MXH đăng ký hoạt động, trong đó hơn 66 triệu tài khoản Facebook, 60 triệu tài khoản YouTube và 50 triệu tài khoản TikTok. MXH đang mang đến cả cơ hội lẫn thách thức với người dùng. Ngày 14-7-2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Phước ban hành Chỉ thị số 17-CT/TU về định hướng tiếp cận, xử lý và chia sẻ thông tin trên MXH cho cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên các đoàn thể chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2025.
Việc ban hành Chỉ thị số 17-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa nhận thức của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên các đoàn thể chính trị - xã hội khi tham gia MXH; biết chọn lọc thông tin, chủ động đăng tải, chia sẻ thông tin tích cực, lan tỏa mạnh mẽ ý chí, khát vọng xây dựng tỉnh Bình Phước giàu mạnh; đấu tranh, phản bác thông tin xấu, độc trên MXH. Mỗi người dân cần sử dụng MXH thông thái khi đưa được nhiều thông tin tích cực, tạo thành dòng thông tin chủ lưu, lấy cái đẹp dẹp cái xấu.
Phó trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy MẠC ĐÌNH HUẤN |
Cùng với sự phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin, việc sử dụng MXH làm phương tiện kết nối đã và đang trở thành xu thế tất yếu. MXH phát triển mở ra một hướng đi mới, mang ý nghĩa tích cực cho những ai biết tận dụng và kiểm soát nó. Vì vậy, công dân trong thời đại số hãy là người sử dụng MXH thông minh để lan tỏa những điều tốt đẹp. Mỗi người chỉ cần bằng động tác “phủ xanh” thông tin tích cực trên MXH, không phát tán, không chia sẻ thông tin xấu, độc sẽ góp phần lan tỏa những giá trị tốt đẹp của cuộc sống.