Lộc Ninh: Nhìn lại kết quả 03 năm thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng
Import
2021-09-18T10:35:08-04:00
2021-09-18T10:35:08-04:00
https://tuyengiaobinhphuoc.org.vn/ly-luan-van-hoa-lich-su-dang/loc-ninh-nhin-lai-ket-qua-03-nam-thuc-hien-chi-thi-so-20-ct-tw-cua-ban-bi-thu-trung-uong-dang-167.html
/themes/egov/images/no_image.gif
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Phước
https://tuyengiaobinhphuoc.org.vn/uploads/logo-btg.png
Qua 03 năm thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW, ngày 18-01-2018 của Ban Bí thư Trung ương Đảng “về tiếp tục tăng cường, nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng”, công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng ở Lộc Ninh đã có những chuyển biến tích cực cả về nhận thức và hành động. Quá trình tổ chức, triển khai nghiên cứu lịch sử trong huyện đã thu hút được các nhà nghiên cứu chuyên môn, cán bộ lão thành cách mạng, nhân chứng lịch sử tham gia. Giá trị khoa học và thực tiễn của các công trình lịch sử đã góp phần quan trọng vào công tác truyên truyền, giáo dục, phát huy truyền thống cách mạng cho các thế hệ cán bộ, đảng viên, các tầng lớp Nhân dân, nhất là thế hệ trẻ, nâng cao lòng tự hào dân tộc, tinh thần yêu nước.
Huyện Lộc Ninh đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác nghiên cứu lịch sử Đảng và xem đây là một nhiệm vụ chính trị quan trọng trong công tác xây dựng Đảng như tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy về công tác biên soạn lịch sử và công tác tuyên truyền, giáo dục. Theo đó, công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng bộ, lịch sử truyền thống cách mạng của các địa phương được các ngành, đoàn thể trong huyện triển khai đồng bộ.
Các cấp ủy, chính quyền, ban, ngành đoàn thể từ huyện đến cơ sở đã có nhiều cách làm hiệu quả trong việc tuyên truyền về truyền thống lịch sử vẻ vang của Đảng, dân tộc, giáo dục tư tưởng chính trị, lòng yêu nước, yêu quê hương, khơi dậy chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tinh thần đại đoàn kết, niềm tự hào, tự tôn dân tộc cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ. Tổ chức tuyên truyền, giáo dục gắn với việc tuyên truyền các ngày lễ lớn của đất nước, của dân tộc; tuyên truyền lồng ghép thông qua các buổi sinh hoạt chi bộ; sinh hoạt đoàn viên, hội viên; thông qua các lớp đào tạo, bồi dưỡng; trên hệ thống đài truyền thanh của huyện và ở cơ sở... Hàng năm, Huyện đoàn đã phối hợp ngành giáo dục tổ chức tuyên truyền, giáo dục lịch sử truyền thống cho thế hệ trẻ như thi tìm hiểu lịch sử Đảng bộ huyện. Các trường học đều có kế hoạch lồng ghép vào chương trình giảng dạy và hoạt động ngoại khóa, tổ chức cho học sinh thăm hỏi các gia đình thương binh liệt sỹ, gia đình có công với cách mạng… Qua hoạt động này đã góp phần giáo dục học sinh nhận thức hơn, nêu cao tinh thần yêu quê hương, đất nước, lòng tự hào dân tộc, ý chí tự lực, tự cường, truyền thống cách mạng hào hùng của quê hương Lộc Ninh.
Việc chủ động, tích cực phòng ngừa, đấu tranh phê phán, phản bác, các thông tin sai lệch, các quan điểm sai trái, thù địch, xuyên tạc Đảng ta được thực hiện. Huyện thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành chức năng tăng cường quản lý nhà nước đối với các loại hình thông tin, truyền thông đại chúng, in ấn, xuất bản, phát hành báo chí trên mạng viễn thông, Internet; đẩy mạnh các biện pháp bảo đảm an ninh thông tin. Tiếp tục thực hiện nghiêm túc các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Nhà nước về an ninh mạng. Ban Chỉ đạo 35 cấp huyện hoạt động tích cực để chủ động nắm bắt tình hình tư tưởng trong Nhân dân, định hướng công tác tuyên truyền thông tin tích cực, tham gia đấu tranh phản bác thông tin xấu độc trên mạng xã hội.
Công tác bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị các di tích cách mạng, kháng chiến được quan tâm thực hiện. Lộc Ninh là nơi ghi dấu nhiều sự kiện, chứng tích có ý nghĩa quan trọng trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Là huyện đầu tiên của miền Nam được giải phóng vào năm 1972, là nơi có căn cứ Bộ Chỉ huy Quân giải phóng miền Nam Việt Nam, là căn cứ của Đoàn 315 - Phái đoàn Quân sự Cộng hòa miền Nam Việt Nam tham gia đấu tranh đòi chính quyền Sài gòn phải thi hành các điều khoản của Hiệp định Paris, là nơi diễn ra hoạt động trao trả tù binh, đón tiếp gần 3.000 đồng bào, chiến sĩ và Nhân dân ta từ các nhà tù của Mỹ - ngụy trở về sau những năm tháng giam cầm. Ngày nay, các di tích lịch sử như: Nhà giao tế, Sân bay quân sự Lộc Ninh, Căn cứ Bộ chỉ huy Quân giải phóng miền Nam Việt Nam trên địa bàn huyện Lộc Ninh đang là minh chứng sống cho trang sử vàng của thời kỳ chống Mỹ cứu nước của quân và dân miền Nam. Các di tích lịch sử trên địa bàn huyện Lộc Ninh được tỉnh, huyện quan tâm đầu tư tôn tạo, gìn giữ để giáo dục truyền thống đấu tranh của các thế hệ cha ông đi trước cho các thế hệ trẻ.
Bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số hạn chế như: Việc sưu tầm các tư liệu và tìm kiếm nhân chứng lịch sử gặp nhiều khó khăn, các nhân chứng lịch sử là người địa phương khác hoặc do tuổi cao nên các sự kiện lịch sử được kể lại không chính xác, còn nhầm lẫn. Việc giảng dạy lịch sử dân tộc nói chung và lịch sử địa phương nói riêng ở các trường học còn nặng về các sự kiện, các mốc thời gian, ít hình ảnh minh họa, phương pháp giảng dạy chủ yếu thuyết giảng thông qua tài liệu được cấp dưới dạng sách, ít sử dụng video minh họa, hình thức trực quan, sa bàn...
Để phát huy kết quả đạt được và khắc phục hạn chế nêu trên, trong thời gian tới, Huyện uỷ Lộc Ninh đề ra một số nhiệm vụ như: (1) Thực hiện công trình bổ sung, tái bản Lịch sử Đảng bộ huyện Lộc Ninh (giai đoạn 1930-2020). (2) Tiếp tục lưu giữ, trưng bày các hình ảnh, hiện vật, phim ảnh truyền thống anh hùng của quân và dân Lộc Ninh trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. (3) Chú trọng củng cố đội ngũ cán bộ làm công tác lịch sử Đảng ở cấp huyện; tăng cường phối hợp giữa các cấp, các ngành liên quan, tạo sự thống nhất cao về nội dung và hình thức trong nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng. (4) Phấn đấu 02 xã/năm hoàn thành biên soạn lịch sử Đảng bộ các xã thị trấn. (5) Tiếp tục tuyên truyền, giảng dạy lịch sử địa phương tại các trường học, Trung tâm Bồi dưỡng chính trị trên địa bàn huyện. (6) Tổ chức chiếu phim tư liệu nhất là ở vùng sâu, vùng xa vào dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn, các sự kiện trọng đại của địa phương, của đất nước để ôn lại truyền thống hào hùng của quân và dân ta trong kháng chiến.
H.Lan