Báo chí có vai trò quan trọng trong đời sống xã hội. Đặc biệt, trên mặt trận chính trị tư tưởng, báo chí có sức mạnh to lớn, ảnh hưởng đến sự thành công hay thất bại trên chiến trường. Những năm qua, các cơ quan báo chí Việt Nam, trong đó có báo chí Bình Phước đã phát huy được sức mạnh này.
BÀI 1
BINH CHỦNG ĐẶC BIỆT TRÊN MẶT TRẬN ĐẶC BIỆT
Nếu coi bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là một mặt trận đặc biệt thì báo chí như một binh chủng đặc biệt trên mặt trận này, vừa có lực lượng phòng ngự vững chắc, vừa có những mũi tấn công sắc bén, sẵn sàng đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.
99 năm qua, kể từ khi tờ báo Thanh Niên do Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập, xuất bản số đầu tiên vào ngày 21-6-1925, báo chí cách mạng Việt Nam đã luôn đồng hành cùng đất nước và dân tộc, là lực lượng tiên phong trên mặt trận tư tưởng - văn hóa, không ngừng trưởng thành vững mạnh về mọi mặt, đóng góp to lớn vào sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta.
Trong những năm gần đây, thực tiễn đã có nhiều biến đổi, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị đang ra sức xuyên tạc, chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng với những âm mưu ngày càng thâm độc, những thủ đoạn ngày càng tinh vi. Để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, ngày 22-10-2018, Bộ Chính trị khóa XII ban hành Nghị quyết số 35-NQ/TW về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới.
Ê-kíp quay phim của Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước (BPTV) cẩn trọng ghi hình tại hiện trường để có được những hình ảnh chân thực và sinh động nhất - Ảnh: Viết Bằng
Nghị quyết số 35-NQ/TW đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của báo chí - truyền thông trong công tác xây dựng, bảo vệ Đảng. Đó là, phát huy sức mạnh tổng hợp của các cơ quan báo chí, xuất bản, truyền thông; vận dụng tổng hợp các hình thức tuyên truyền, kết hợp chặt chẽ với đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền miệng, tuyên truyền đối ngoại, tuyên truyền trên internet, mạng xã hội và các kênh truyền thông khác, góp phần bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác có hiệu quả các quan điểm sai trái, thù địch.
Sau gần 6 năm thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW, công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch ở nước ta đã đạt được một số kết quả quan trọng với những dấu ấn nổi bật. Các cấp ủy, tổ chức đảng trong toàn hệ thống chính trị đã nhanh chóng nắm bắt, quán triệt, chỉ đạo tổ chức thực hiện một cách thống nhất, đồng bộ, trở thành nhiệm vụ thường xuyên của mỗi cán bộ, đảng viên. Tinh thần đó được lan tỏa trong toàn xã hội dưới rất nhiều hình thức, qua đó góp phần khơi dậy ý chí, phát huy sức mạnh đại đoàn kết của toàn dân tộc. Kết quả đó có vai trò đóng góp không nhỏ của các cơ quan báo chí tuyên truyền, trong đó có các cơ quan báo chí và các nhà báo của Bình Phước.
Trong mấy năm gần đây, trước sự phát triển nhanh của khoa học và công nghệ, đã cho ra đời các cơ quan truyền thông đa phương tiện, hiện đại, tạo mạng lưới thông tin rộng khắp ở các vùng, miền, góp phần tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước một cách nhanh chóng, chính xác, kịp thời, sinh động, hấp dẫn đến với mọi tầng lớp nhân dân. Những thông tin, bài viết của các nhà báo đã góp phần gắn kết và thắt chặt mối quan hệ bền chặt giữa Đảng với nhân dân; củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng.
Trên mặt trận bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng hiện nay, với sự tham gia của nhiều lực lượng, báo chí được xác định như một binh chủng đặc biệt, vừa có lực lượng phòng ngự vững chắc, vừa có lực lượng phản công, có những mũi tấn công sắc bén, sẵn sàng đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Tuy nhiên, trên mặt trận chính trị tư tưởng hiện nay, dù vẫn đang ở thế chủ động nhưng binh chủng báo chí cũng đang đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Trước những tác động của mặt trái nền kinh tế thị trường, của quá trình toàn cầu hóa, một số cơ quan báo chí có xu hướng thương mại hóa, chạy theo lợi nhuận, đề cao vật chất, rời xa tôn chỉ, mục tiêu, sứ mệnh cao cả mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó. Một số cơ quan báo chí còn thiếu nhạy bén chính trị, chưa làm tốt chức năng tư tưởng, văn hóa, có biểu hiện xa rời sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, xa rời tôn chỉ, mục đích, thông tin không trung thực, thiếu chính xác, ít tuyên truyền các điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt...
Trong quá trình thực thi nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, nhiều cơ quan báo chí, nhiều nhà báo gặp không ít khó khăn do thiếu thông tin, thiếu cơ chế bảo vệ, cơ chế phối hợp xử lý. Điều đáng quan tâm là một số cơ quan báo chí chưa dám đấu tranh trực diện với những phần tử sai trái, phản động, xuyên tạc; chưa đầu tư thích đáng cho công tác này.
Thực tế trong cuộc đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng thời gian qua, có cơ quan báo chí còn đưa thông tin thiếu khách quan, lộ bí mật, chưa đúng sự thật bị các đối tượng thù địch lợi dụng. Việc cung cấp thông tin cho báo chí về đấu tranh chống quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng đang tồn tại nhiều bất cập. Nhiều thông tin báo chí không có điều kiện tiếp cận, không được biết. Nhà báo tham gia vào đề tài đấu tranh chống quan điểm sai trai thù địch là chấp nhận sự nguy hiểm, rủi ro lớn. Nhưng cơ chế bảo vệ họ lại thiếu chặt chẽ.