Đẩy mạnh công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục lịch sử truyền thống cách mạng
Quang Trung
2023-05-24T23:55:08-04:00
2023-05-24T23:55:08-04:00
https://tuyengiaobinhphuoc.org.vn/lich-su-dang/day-manh-cong-tac-nghien-cuu-bien-soan-lich-su-dang-gop-phan-nang-cao-chat-luong-giao-duc-lich-su-truyen-thong-cach-mang-1703.html
https://tuyengiaobinhphuoc.org.vn/uploads/news/2023_05/image-20230523174854-6.jpeg
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Phước
https://tuyengiaobinhphuoc.org.vn/uploads/logo-btg.png
Trong những năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tạo điều kiện để các ngành, địa phương làm tốt công tác nghiên cứu, biên soạn và xuất bản sách lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống ngành.
Nhận thức sâu sắc được tầm quan trọng về công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng, trong những năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tạo điều kiện để các ngành, địa phương làm tốt công tác nghiên cứu, biên soạn và xuất bản sách lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống ngành. Nhiều địa phương, đơn vị đưa nội dung thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW vào nghị quyết đại hội đảng bộ cấp mình, lấy kết quả thực hiện công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng làm một trong những tiêu chí đánh giá thi đua hàng năm.
Ngay sau ngày tái lập tỉnh, cùng với chăm lo phát triển kinh tế - xã hội, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chú trọng quan tâm, chỉ đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với các sở, ban ngành, đoàn thể, các huyện, thị ủy tiến hành nghiên cứu, biên soạn lịch sử truyền thống ngành, lịch sử đảng bộ địa phương. Trước năm 2002, cả tỉnh mới có hơn 10 đầu sách về lịch sử Đảng bộ địa phương, lịch sử truyền thống ngành. Đến năm 2022, đã có hơn 168 công trình, ấn phẩm cấp tỉnh, cấp huyên và cấp xã được biên soạn, xuất bản, trong đó nhiều công trình có giá trị khoa học, thực tiễn cao phục vụ cho công tác nghiên cứu, học tập như: công trình Địa chí tỉnh, Lịch sử Đảng bộ tỉnh (giai đoạn 1930 - 1975 và 1975 - 2005), Lịch sử ngành Tuyên giáo (1930 – 2010), Chân dung Bà mẹ Việt Nam anh hùng… đã có 11/11 huyện, thị, thành phố đã xuất bản các công trình lịch sử Đảng bộ địa phương.
Hội thảo lịch sử ngành Tuyên giáo Bình Phước giai đoạn 1930 – 2010
Đồng chí Nguyễn Quốc Dũng - TUV, Bí thư Huyện ủy tặng sách “Lịch sử Đảng bộ huyện Đồng Phú, giai đoạn 1975 – 2020” cho đại biểu
Nhìn chung, các công trình lịch sử đã xuất bản đảm bảo tính Đảng, tính khoa học, đồng thời thể hiện rõ những nét đặc thù, độc đáo riêng của từng địa phương, đơn vị, góp phần làm rõ thêm lịch sử của Đảng bộ tỉnh. Nhiều công trình đã tổng kết thực tiễn lịch sử và kinh nghiệm của địa phương, của ngành, góp phần quan trọng đối với công tác tư tưởng, lý luận, công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ tỉnh trong sự nghiệp đổi mới.
Trước những yêu cầu cấp thiết của công tác tư tưởng, lý luận trong tình hình mới và từ thực trạng công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng bộ địa phương trong tỉnh thời gian qua, để tiếp tục thực hiện tốt công tác nghiên cứu, biên soạn và giáo dục lịch sử Đảng bộ địa phương trong thời gian tới, cần tập trung làm tốt một số vấn đề sau:
Thứ nhất, nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, cán bộ, đảng viên và nhân dân về vị trí, vai trò của công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng. Tiếp tục quán triệt và nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, cán bộ, đảng viên và nhân dân về Chỉ thị số 20 - CT/TW của Ban Bí thư và Kế hoạch 99 - KH/TU ngày 05/3/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy) về về tiếp tục tăng cường, nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng. Mục đích của việc nghiên cứu, tổng kết lịch sử Đảng là làm cho cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu rõ con đường cách mạng của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng, làm rõ lý luận và thực tiễn về xây dựng Đảng, góp phần vào công tác chính trị, tư tưởng, lý luận của Đảng hiện nay.
Thứ hai, nâng cao nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác nghiên cứu lịch sử Đảng. Đây là vấn đề then chốt có tính quyết định. Phải lựa chọn những cán bộ có tâm huyết, có trình độ nghiệp vụ để hoàn thành nhiệm vụ. Đồng thời phải nâng cao tinh thần trách nhiệm, tính tiên phong gương mẫu của mỗi cán bộ, đảng viên được phân công nhiệm vụ công tác này. Vì vậy, để nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng bộ địa phương cần tập trung đào tạo, bồi dưỡng lực lượng cán bộ làm công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng.
Thứ ba, xác định vai trò quan trọng của việc sưu tầm, xác minh và thẩm định tư liệu. Mục đích của biên soạn lịch sử Đảng bộ địa phương không những khôi phục lại bức tranh lịch sử, tái hiện lại quá trình lịch sử, làm sống lại quá khứ, mà còn khám phá ra bản chất, quy luật của lịch sử, rút ra kinh nghiệm. Muốn vậy nguồn tư liệu cần được tiến hành xác minh, thẩm tra và nghiên cứu kỹ lượng.
Thứ tư, công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử. Các cấp, các ngành, các đơn vị cần tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp đồng bộ trong việc tuyên truyền, giáo dục lịch sử bằng nhiều hình thức như: thông qua các buổi tuyên truyền, lồng ghép những câu chuyện có ý nghĩa lịch sử, từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm cho hiện tại; củng cố vai trò hệ thống bảo tàng, trung tâm văn hóa, nhà văn hóa địa phương; phát huy tác dụng giáo dục của các di tích lịch sử; đổi mới hình thức tuyên truyền, giáo dục lịch sử trong các trường học, trung tâm bồi dưỡng chính trị, Trường Chính trị tỉnh và trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Thứ năm, phối hợp chặt chẽ giữ các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội trong công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống địa phương, ngành.