Để biên soạn một công trình Lịch sử Đảng bộ địa phương đảm bảo tính khoa học, chặt chẽ và đúng tiến độ, theo tôi cần phải tuân thủ theo các nội dung cơ bản sau: Trước hết cần xây dựng kế hoạch nghiên cứu, biên soạn tổng thể và kế hoạch từng năm theo các nội dung. Công tác sưu tầm tư liệu có vai trò quan trọng nghiên cứu biên soạn, quyết định chất lượng của công trình. Đồng chí Trường Chinh – nguyên Tổng Bí thư, Trưởng ban nghiên cứu Lịch sử Đảng Trung ương đã khẳng định: “Công tác nghiên cứu và công tác sưu tầm tư liệu như hai lá phổi của cơ thể”.
Trên cơ sở nguồn tư liệu thu thập được, tiến hành xây dựng đề cương nghiên cứu (đề cương sơ lược) và đề cương chi tiết. Phải xác định tên các chương, mục và nội dung cơ bản sẽ được thể hiện trong từng chương. Trong đó, chú trọng đến việc phân kỳ lịch sử tương ứng với từng chương. Đề cương chi tiết phải thể hiện được các nội dung: mở đầu, thứ tự các chương, kết luận. Tùy theo nội dung mỗi công trình khoa học để phân chương cho phù hợp, song nếu nghiên cứu, biên soạn toàn bộ lịch sử Đảng bộ hoặc lịch sử truyền thống ngành thì có thể chia chương theo các giai đoạn (Vùng đất, con người và truyền thống; thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp 1930 – 1954; thời kỳ kháng chiến chống đế quốc Mỹ 1954 - 1975; thời kỳ sau giải phóng 1975 – nay). Trong quá trình biên soạn phải phục dựng khách quan, phản ánh trung thực, tránh tô hồng lịch sử; cùng với việc trình bày những thành tựu đạt được, phải chỉ ra khuyết điểm, hạn chế của Đảng bộ trong việc lãnh đạo phong trào cách mạng ở địa phương; khi viết Lịch sử Đảng bộ hoặc lịch sử truyền thống ngành tác giả viết phải đặt trong mối quan hệ toàn cục (lịch sử Đảng bộ tỉnh là một bộ phận của lịch sử toàn Đảng, lịch sử Đảng bộ huyện, thị là một bộ phận của lịch sử Đảng bộ tỉnh…); trong quá trình nghiên cứu, biên soạn, phải nắm vững đối tượng, phương pháp nghiên cứu; nắm vững tính Đảng, tính khoa học; ngoài ra, khi đánh giá những sự kiện, nhân vật lịch sử hoặc những thắng lợi, hạn chế phải trên quan điểm lịch sử cụ thể, khách quan, khoa học, tránh lệch lạc về tư tưởng hoặc chủ nghĩa cá nhân…
Hội thảo lần thứ nhất Lịch sử lực lượng vũ trang nhân dân huyện Lộc Ninh,
giai đoạn (1945- 2015)
Đồng chí Trần Tuyết Minh - UVBTV, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Hiệu trưởng Trường Chính trị phát biểu khai mạc Hội thảo lần thứ nhất công trình “Trường Chính trị tỉnh Bình Phước - 22 năm xây dựng và phát triển”,
Để góp phần nâng cao chất lượng bản thảo, xác nhận lại các thông tin, sự kiện, Ban biên soạn cần xây dựng kế hoạch xin ý kiến của các nhà khoa học; các đồng chí lãnh đạo và nguyên lãnh đạo chủ chốt của Đảng bộ, chính quyền địa phương qua các thời kỳ; các nhân chứng lịch sử. Do đó, bản thảo phải được gửi trước cho các nhân chứng lịch sử, các đại biểu dự hội thảo từ 15 đến 20 ngày, trong đó nêu rõ yêu cầu, nội dung góp ý. Trên cơ sở các ý kiến góp ý, Ban tổ chức, Ban biên soạn tiến hành phân tích và phân loại các ý kiến chuẩn bị nội dung để Hội thảo khoa học đạt kết quả. Sau các đợt hội thảo, ban biên soạn tiếp tục chỉnh sửa, bổ sung theo góp ý tại hội thảo và hoàn thành bản thảo lần cuối.
Ban biên soạn gửi bản thảo hoàn thiện lần cuối xin ý kiến của Ban chấp hành Đảng bộ địa phương hoặc Ban Thường vụ tùy theo yêu cầu của mỗi địa phương. Gửi bản thảo về Ban Tuyên giáo cấp trên thẩm định, góp ý về nội dung, sau đó hoàn thiện hồ sơ để tiến hành nghiệm thu và thanh lý hợp đồng.
Cuối cùng, xuất bản và phát huy tác dụng của công trình khoa học Lịch sử Đảng. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong toàn Đảng bộ địa phương, trong các nhà trường, mặt trận và các đoàn thể quần chúng, nhất là trong thế hệ trẻ. Sử dụng giảng dạy, nghiên cứu trong các nhà trường, Trung tâm Chính trị nhằm giáo dục truyền thống cách mạng địa phương, lịch sử truyền thống ngành cho học sinh, sinh viên, học viên.