Phát huy truyền thống đoàn kết, sáng tạo, khắc phục khó khăn, Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh vươn lên, xây dựng tổ chức ngày càng phát triển, tập hợp lực lượng văn nghệ sĩ tích cực sáng tác. Đến nay, Hội đã phát triển 7 chi hội chuyên ngành (thêm chi hội Nghiên cứu Văn nghệ dân gian, chi hội Kiến trúc sư và chi hội Đờn ca Tài tử) với tổng số 260 hội viên, trong đó có 19 hội viên đang tham gia sinh hoạt tại các Hội chuyên ngành của Trung ương, gồm: 5 hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam; 6 hội viên Hội nhạc sĩ Việt Nam; 3 hội viên Hội các Dân tộc thiểu số Việt Nam; 3 Hội viên Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam; 1 hội viên Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam; 1 hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Qua 5 đợt trao Kỷ niệm chương, có 90 hội viên được trao Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam. Kết quả này thể hiện sự lao động nghiêm túc trong sáng tạo và sáng tác của văn nghệ sĩ Bình Phước được ghi nhận và từng bước chuyên nghiệp.
Các hội viên chụp hình lưu niệm với lãnh đạo tỉnh và các nhạc sĩ nổi tiếng Việt Nam
15 năm qua có hơn 150 giải thưởng được trao cho hội viên. Đặc biệt trong Khóa III, nhiệm kỳ 2017 -2022 đã có những hội viện nhận giải cao như: Nhạc sĩ Nguyễn Văn Luân – Giải Nhất sáng tác ca khúc do Trung ương đoàn phát động (2017); Bùi Biên Linh – Giải khuyến khích văn xuôi do Liên hiệp Các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam trao (2019); Thu Hồng – Giải Nhì cuộc thi thơ do Liên hiệp phụ nữ Việt Nam tổ chức (2020). Các nhạc sĩ: Mai Quãng, Quốc Bảo, Đức Hòa, Văn Luân, Đức Lâm… nhận nhiều giải thưởng do các tỉnh thành và Hội Nhạc sĩ Việt Nam phát động. Các họa sĩ Nguyễn Kình, Duy Hồng, Huỳnh Hường, Hải Thanh, Trần Tịnh, Quang Thỉ, Văn Ngọc, Đức Duy, Văn Nhuận, Kim Anh… đạt giải thưởng của Hội Mỹ thuật Việt Nam và Bộ Công an tổ chức. Các nghệ sĩ nhiếp ảnh Văn Phúc, Quang Hùng, Ngọc Lân, Lê Thị Hiên… cũng đón nhận nhiều giải thưởng do Bộ VHTT&DL và Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam tổ chức. Đặc biệt là các văn nghệ sĩ hưởng ứng tích cực việc sáng tác, hoạt động quảng bá tác phẩm theo chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” do Ban Tuyên giáo Trung ương và tỉnh tổ chức. Qua đó, văn nghệ sĩ và Tạp chí Văn nghệ nhận được nhiều giải thưởng và các hình thức khen tặng khác. Nhóm nghiên cứu thuộc Chi hội Nghiên cứu Văn nghệ dân gian đã thực hiện được công trình rất có ý nghĩa là “Số hóa các công trình nghiên cứu Văn hóa, Văn nghệ dân tộc S’tiêng Bình Phước; Ấn phẩm “Văn hóa, Văn nghệ Dân gian Dân tộc S’tiêng”.
Lăng kính tác phẩm: các ấn phẩm là tuyển tập nhạc “Chung dòng Sông Bé”, văn xuôi Bình Phước, mỹ thuật và nhiếp ảnh Bình Phước cũng được tổng hợp, biên tập xuất bản theo mỗi nhiệm kỳ. Hội viên chủ động liên hệ các Nhà xuất bản Văn học, Nhà xuất bản Thanh niên, Nhà xuất bản Quân đội… cho in hơn 60 đầu sách. Đặc biệt, trong Khóa III (từ 2017 đến nay) với sự năng động và quyết tâm của Thường trực Hội, Ban Chấp hành Hội đã tập trung cho việc quảng bá, giới thiệu tác phẩm đến Đoàn Ca múa nhạc Dân tộc, các kênh thông tin trong và ngoài tỉnh. Mặc dù chưa thực sự mạnh nhưng bước đầu đã có tác phẩm lan tỏa trong công chúng, khẳng định vai trò văn học nghệ thuật trong đời sống một cách tích cực. Đây là những tác phẩm có giá trị giới thiệu về vùng đất và con người Bình Phước; nâng cao chất lượng các tác phẩm sáng tác; những kinh nghiệm trong việc phát triển phong trào văn học, nghệ thuật; sáng tạo tác phẩm gắn với hơi thở cuộc sống...
Những thành tựu trên lĩnh vực Văn học - Nghệ thuật trong suốt chặng đường đã qua, có thể thấy văn nghệ sỹ chính là lực lượng nòng cốt phát triển văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới. Vì vậy, Hội là mái nhà chung của văn nghệ sỹ; luôn gắn bó, đồng hành cùng hội viên trong sáng tạo tác phẩm; tập trung tuyên truyền, các sự kiện, thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh bằng nhiều hình thức; tạo mọi điều kiện thuận lợi cho văn nghệ sỹ phát triển, sáng tác những tác phẩm ngày càng chất lượng phản ánh chân thật sinh động, sâu sắc đời sống, con người Bình Phước. Đồng thời, thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển Văn học - Nghệ thuật giàu bản sắc; phát triển hội viên cả chiều rộng và chiều sâu. Các văn nghệ sỹ thường xuyên trau dồi đạo đức, chuyên môn; tích cực, chủ động đấu tranh với những quan điểm sai trái trên lĩnh vực văn học nghệ thuật, …
Bên cạnh những nỗ lực và kết quả đạt được, lĩnh vực văn học, nghệ thuật tỉnh Bình Phước vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém. Đó là văn học, nghệ thuật phát triển chưa tương xứng với tiềm năng sáng tạo và nhu cầu hưởng thụ của nhân dân; chưa có nhiều tác phẩm có giá trị cao về nội dung và nghệ thuật, chưa phản ánh sâu sắc, sinh động những hiện thực lớn lao trong những giai đoạn lịch sử quan trọng, nhất là trong công cuộc đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế.
M.An