Ngày 11/6/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Lời kêu gọi, phát động phong trào thi đua yêu nước trên toàn quốc và chỉ rõ: “Bổn phận của người dân Việt Nam, bất kỳ sĩ, nông, công, thương, binh; bất kỳ làm việc gì, đều cần phải thi đua nhau: Làm cho mau, làm cho tốt, làm cho nhiều… Thi đua ái quốc sẽ ăn sâu, lan rộng khắp mọi mặt và mọi tầng lớp nhân dân, và sẽ giúp ta dẹp tan mọi nỗi khó khăn và mọi âm mưu của địch để đi đếAn thắng lợi cuối cùng”.
Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh được truyền đi như lời hiệu triệu, thôi thúc đồng bào và chiến sĩ cả nước đoàn kết một lòng, phát huy ý chí tự lực, tự cường, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, vượt qua mọi hy sinh, gian khổ, ra sức thi đua, đóng góp sức người, sức của vào sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc, cũng như trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.
Như những tiếng hô vang được nối tiếp, như những hành trình không có điểm dừng, phong trào thi đua yêu nước ở tỉnh Bình Phước liên tục tiếp nối và lan rộng. Nhiều điển hình tiên tiến xuất hiện với những việc làm thiết thực, đóng góp cho công cuộc xây dựng, phát triển quê hương. Và các phong trào thi đua đã tạo nên những năng lượng mang tính quyết định cho những quyết định.
Công tác thi đua khen thưởng ngày càng giữ vị trí, vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống lao động xã hội, thực sự trở thành động lực thúc đẩy mọi tầng lớp, mọi thành phần trong xã hội thi đua lao động sản xuất, nghiên cứu, học tập, sáng tạo; góp phần quan trọng trong xây dựng cuộc sống mới, xây dựng nền văn hóa mới, con người mới ngày càng phát triển hoàn thiện hơn.
Để thi đua, khen thưởng thực sự trở thành động lực của sự phát triển trên địa bàn tỉnh cần:
Đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương, đường lối của Ðảng, tư tưởng Hồ Chí Minh; chính sách, pháp luật của Nhà nước về thi đua khen thưởng nhằm nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của công tác thi đua khen thưởng cũng như trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi của chính bản thân mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đối với công tác này. Đây là nhiệm vụ thường xuyên của từng cơ quan, tổ chức; hằng năm cần chủ động phát động các phong trào thi đua ngay từ đầu năm với tinh thần hành động sáng tạo hơn, đạt được kết quả cao hơn năm trước.
Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể, tạo thành phong trào hành động cách mạng sâu rộng, đều khắp. Phát huy sức mạnh tổng hợp, khai thác và tận dụng có hiệu quả mọi nguồn lực, đẩy mạnh xã hội hóa, thực hiện tốt dân chủ cơ sở, đẩy mạnh hơn nữa phong trào thi đua yêu nước.
Ảnh minh họa
Tích cực, chủ động phát hiện, bồi dưỡng và nhân rộng điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua. Phát huy vai trò của các phương tiện truyền thông; tăng cường việc đề xuất, xây dựng, lựa chọn, nhân rộng điển hình tiên tiến và mô hình, cách làm hay, có thể xây dựng kế hoạch bồi dưỡng điển hình ngày một hoàn thiện, hoàn chỉnh, trở thành mẫu mực để nêu gương học tập.
Thường xuyên quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn, nâng cao trình độ, nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác thi đua, khen thưởng các cấp. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và giải quyết kịp thời việc khiếu nại, tố cáo của tổ chức, cá nhân về thi đua, khen thưởng. Bảo đảm nguyên tắc chính xác, công khai, dân chủ, công bằng, kịp thời trong việc bình xét các danh hiệu thi đua và đề nghị các hình thức khen thưởng.
Tăng cường sự phối hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể, các địa phương nhằm tạo sức mạnh tổng hợp thúc đẩy phong trào thi đua, thực hiện hiệu quả công tác thi đua, khen thưởng. Tổ chức các phong trào thi đua cần có mục tiêu thiết thực, cụ thể, gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng địa phương, đơn vị. Bên cạnh đó, cần phát động các phong trào thi đua theo đợt, theo chuyên đề, tiếp tục đổi mới toàn diện, sáng tạo trong tổ chức các phong trào thi đua để công tác thi đua, khen thưởng bảo đảm chất lượng, hiệu quả thực chất.
Sự nghiệp đổi mới và phát triển hôm nay, rất cần phải đẩy mạnh và phát triển phong trào thi đua yêu nước trên mọi lĩnh vực với chiều sâu, chiều rộng và những sắc thái mới. Những nội dung của thi đua khen thưởng cần được chú trọng, quan tâm, không ngừng hoàn thiện, để thi đua khen thưởng thực sự trở thành động lực phát triển của mỗi cá nhân, tổ chức và phong trào thi đua yêu nước trở thành năng lượng quyết định cho những quyết định.