Cố nhà thơ Nguyệt Lãng là tác giả cuốn sách “Nguyệt Lãng văn và đời”, gồm 5 phần: thơ, văn, nhạc, hình ảnh của nhà thơ và văn bia, văn tế với 248 trang, riêng phần thơ đã 77 trang, có 12 bài phổ nhạc… mang giá trị cả tư tưởng, nội dung và nghệ thuật; với tác phẩm “Văn bia” tưởng nhớ hương linh liệt sĩ và đồng bào tử nạn tại chiến trường Bà Rá - Phước Long thể hiện kiến văn rộng mở, sự trải nghiệm, mang âm hưởng hùng ca, ca gợi chiến công, đóng góp của quân và dân Phước Long đã hy sinh cho sự nghiệp giải phóng quê hương, đất nước. Thơ Nguyệt Lãng rất co đọng, xúc tích. Mỗi bài thơ đều chứa đựng một tâm trạng, một nỗi niềm và có khi là một kiếp đời. Ông đã đi sâu vào thân phận con người với nỗi niềm day dứt trăn trở không nguôi như bài thơ “Rau đắng đất” sáng tác năm 1972, đã đi sâu vào thân phận con người với phong cách chân thực, gần gũi, đồng cảm với vùng quê hương sông nước miền Tây bằng như câu thơ như:
“Trời mưa nướᴄ ngập ruộng sâu
ᴄá đồng về hội rủ nhau nhảy hầm
Mưa là mưa lũ mưa dầm
Hẹn mùa, rau đắng mọᴄ quanh thềm nhà…”
Nhà thơ Nguyệt Lãng là người con Bến Tre. Ông lớn lên cùng những điệu tài tử, cải lương da diết yêu thương. Gia đình nhà thơ Nguyệt Lãng rời quê hương Bến Tre lên lập nghiệp ở Bình Phước. Đối với ông Bình Phước là quê hương thứ 2 của mình. Tuy sống xa quê nhưng trong thâm tâm ông luôn hướng về nơi quê hương “Chôn nhau cắt rốn”. Bằng những tình cảm thiêng liêng đó ông đã cho ra đời rất nhiều tác phẩm hay về quê hương Bến Tre. Nhiều bài thơ của Nguyệt Lãng nói đến người đến cảnh ở vùng đất Bến Tre quê hương anh và rộng ra cả vùng Nam bộ.
Cuốn sách “Nguyệt Lãng văn và đời”
Tôi thấy nhà thơ rất chân thật, mộc mạc, có nhiều câu thơ cảm động, nhiều câu thơ đầy xúc cảm như:
Ai buộc đời mình vì một cọng rau
Ai khôn lớn qua cầu đi hút bóng
Nhìn quãng đồng xa một làn khói trắng
Cũng bâng khuâng nhớ lắm quê mình
Bỗng nghe thèm rau đắng nấu canh!
Đóng góp của Nguyệt Lãng trong văn chương chính là việc anh đi sâu vào thân phận con người, chia sẻ nỗi đau và khát vọng của họ. Đặc biệt là thân phận người nông dân miền Tây sống giữa đồng đất mênh mang với những trận lũ tràn bờ, những cuộc đời lênh đênh như cánh bèo trôi. Nhưng trái tim thuần phác của họ luôn ấp ủ ước mơ, những hy vọng. Thơ Nguyệt Lãng luôn hướng đến đó là tình yêu quê hương với nỗi nhung da diết. Đặc biệt, tác phẩm của ông đã diễn tả rất sâu sắc về lịch sử, văn hóa, con người qua những câu, từ hết sức đặc trưng của từng vùng, miền.
Họa sĩ Lê Quang Thỉ và nhà văn Nguyễn Huy Đức tặng tranh cho gia đình
cố nhà thơ Nguyệt Lãng. Ảnh: Q. Cường
Hội Văn học nghệ thuật tỉnh đã tổ chức chương trình giới thiệu sách xuất bản của hội viên năm 2023 và tập “Nguyệt Lãng - Văn và đời” nhân dịp Tết Nguyên tiêu xuân Giáp Thìn 2024 và Ngày thơ Việt Nam lần thứ 22. Tại Chương trình Ngày thơ Việt Nam lần thứ 22, “tập Nguyệt Lãng - Văn và Đời” đã tưởng nhớ đến nhà thơ Nguyệt Lãng có nhiều hoạt động, sáng tác, hy sinh trên mảnh đất Bình Phước nặng nghĩa tình. Ông có nhiều tác phẩm hay về Bình Phước như tác phẩm “Văn bia”, “Rồi cũng theo về" " Đồng Xoài nắng và mưa", “Về Ba Tri nghe thơ Đồ Chiểu”, “Đất và Người Ba Tri” ...
Cuốn sách “Nguyệt Lãng - Văn và Đời” đã góp phần khơi dậy, bồi đắp và nuôi dưỡng tình yêu thơ ca, tình yêu cuộc sống; cổ vũ, động viên các tầng lớp nhân dân thi đua lao động, sản xuất, phát triển kinh tế; góp phần quan trọng vào việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Ngày thơ Việt Nam lần thứ 22 ở Bình Phước chính là sự tôn vinh những giá trị đích thực của thơ ca - những sản phẩm tinh thần không thể thiếu trong đời sống xã hội. Những tác phẩm văn học, nghệ thuật nói chung và Ngày thơ Việt Nam luôn nhận được sự quan tâm giúp đỡ, phối hợp của các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị, … để các chương trình ngày càng hay hơn, phong phú hơn và trở thành sân chơi bổ ích của văn nghệ sĩ, những người yêu thơ và đông đảo khán, thính giả trên địa bàn tỉnh, đóng góp tích cực vào phong trào văn hóa, văn nghệ tỉnh nhà. Qua đó, tạo điều kiện cho đội ngũ văn nghệ sĩ phát huy khả năng sáng tạo, có nhiều sáng tác chất lượng, đóng góp vào sự nghiệp phát triển của tỉnh.