Mệnh lệnh chấn hưng văn hóa (bài 1)

Thứ năm - 04/01/2024 19:47 199 0
Ngay sau Hội nghị Văn hóa tỉnh Bình Phước năm 2023, Tỉnh ủy Bình Phước đã ban hành Nghị quyết số 14-NQ/TU ngày 20-11-2023 về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Bình Phước đến năm 2030, định hướng đến năm 2045. Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, từ hôm nay (3-1-2024), Báo Bình Phước mở chuyên mục “Văn hóa và Con người Bình Phước” vào thứ Tư hằng tuần và đăng phát trên Bình Phước online.

Trong sự phát triển mạnh mẽ của đất nước về mọi mặt hiện nay, vẫn có những “vết gợn”, đó chính là sự xuống cấp về văn hóa, tha hóa về lối sống, đạo đức xã hội. Trong bài viết Quyết tâm chấn hưng và xây dựng thành công một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ ra một số hạn chế: “Vai trò của văn hóa trong xây dựng con người chưa được xác định đúng tầm, còn có chiều hướng nặng về chức năng giải trí… Môi trường văn hóa vẫn bị ô nhiễm bởi các tệ nạn xã hội, tham nhũng, tiêu cực”. Từ đó để thấy rằng, chấn hưng văn hóa đang là mệnh lệnh của yêu cầu phát triển mới.

Bài 1:
XUNG LỰC TỪ MỘT HỘI NGHỊ VĂN HÓA TOÀN QUỐC

 

Từ Hội nghị Văn hóa toàn quốc cuối năm 2021, trong năm 2022 và 2023, rất nhiều hội nghị, hội thảo văn hóa được các địa phương trong cả nước tổ chức nhằm tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng của văn hóa trong tiến trình phát triển cũng như đề xuất các giải pháp để văn hóa thực sự trở thành nguồn động lực quan trọng. Kết thúc năm 2023, “chấn hưng văn hóa” vẫn là cụm từ nóng, không chỉ bởi con số kinh phí 35.000 tỷ đồng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề xuất mà còn bởi tần suất “phủ sóng” của các sự kiện liên quan đến văn hóa.

Sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc, 2023 là năm các địa phương dành sự quan tâm đặc biệt cho phát triển văn hóa, con người, từ đó tạo động lực quan trọng cho việc phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tới.

Từ khi tái lập đến nay, cùng với đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển kinh tế, Bình Phước luôn dành sự quan tâm chăm lo phát triển nguồn lực con người, giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa giàu bản sắc của địa phương. Trong ảnh: Các đại biểu tìm hiểu sản phẩm gùi truyền thống của người S’tiêng tại Bình Phước trong khuôn khổ Hội nghị Văn hóa tỉnh năm 2023 - Ảnh: Ngọc Bích

Dòng chảy văn hóa từ quá khứ tới hiện tại và tương lai

Nối tiếp Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Hội thảo Văn hóa năm 2022 do Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội phối hợp Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, UBND tỉnh Bắc Ninh tổ chức đã diễn ra với 800 đại biểu tham dự trực tiếp và được kết nối với một số điểm cầu trong cả nước, phát trực tuyến trên nền tảng internet. Ở phạm vi các địa phương, là Hội thảo khoa học “Thực trạng, giải pháp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Bắc Giang đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững”; là Hội nghị Văn hóa tỉnh Bình Phước năm 2023; Hội thảo khoa học “Thực hiện Đề cương văn hóa Việt Nam trong xây dựng và phát triển văn hóa, con người Đồng Nai đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững”. Hay mới đây nhất là Hội nghị Văn hóa tỉnh Hà Giang năm 2023 nhằm đánh giá sâu sắc, toàn diện về các giá trị văn hóa, xây dựng và phát triển văn hóa, con người Hà Giang trong giai đoạn mới…
 

Các hoạt động biểu diễn văn hóa - nghệ thuật đã góp phần làm phong phú đời sống tinh thần nhân dân - Ảnh: Trương Hiện

Không phải ở thời điểm hiện tại phát triển văn hóa mới được chú ý. Sinh thời, khi đề cập đến mối quan hệ, gắn bó hữu cơ giữa các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội và văn hóa, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhấn mạnh: “Trong công cuộc kiến thiết nước nhà có 4 vấn đề cùng phải chú ý đến, cùng phải coi trọng ngang nhau: chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa”. Từ “Đề cương về Văn hóa Việt Nam” ra đời năm 1943 cũng như ngay từ cương lĩnh đầu tiên đến các kỳ đại hội, Đảng ta đã chỉ rõ, văn hóa, cùng với chính trị, kinh tế, là những trụ cột trong sự phát triển của đất nước ta, dân tộc ta. Đến Đại hội XIII của Đảng, một trong những điểm nhấn quan trọng chính là xác định các quan điểm, chủ trương mới, toàn diện và sâu sắc về phát triển văn hóa, con người Việt Nam nhằm thực hiện mục tiêu xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Đại hội xác định: “Lấy giá trị văn hóa, con người Việt Nam làm nền tảng, sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững”.

Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Phước lần thứ XI xác định một trong 5 nhiệm vụ trọng tâm để tiếp tục sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Bình Phước trong những năm tiếp theo: “Quan tâm đầu tư các lĩnh vực xã hội, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho nhân dân để văn hóa thực sự trở thành nền tảng của xã hội. Trong đó, con người được đặt vào vị trí trung tâm vừa là mục tiêu vừa là động lực của quá trình phát triển”.

Phát triển là sự lựa chọn

Tại Hội thảo Văn hóa năm 2022, ông Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội thẳng thắn cho rằng, bên cạnh nhiều thành tựu to lớn trong xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam, văn hóa vẫn chưa được các cấp, ngành nhận thức một cách sâu sắc và chưa được quan tâm đầy đủ, tương xứng với kinh tế. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng cũng đánh giá: “Văn hóa chưa được quan tâm tương xứng với kinh tế và chính trị, chưa thực sự trở thành nguồn lực, động lực nội sinh của sự phát triển bền vững đất nước”.

Nhìn thẳng vào sự thật để thấy rằng, nước ta không xem nhẹ yếu tố văn hóa trong phát triển, vẫn dành nguồn lực đầu tư cho văn hóa nhưng chưa ngang bằng với đầu tư cho kinh tế. Nhưng đây rõ ràng là sự lựa chọn bắt buộc.

Sau hơn 37 năm đổi mới, kinh tế Việt Nam đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ. Trong ảnh: Thành phố Đồng Xoài có sự phát triển vượt bậc với nhiều nhà cao tầng khang trang - Ảnh: Phú Quý

Sau sự kiện 30-4-1975, đất nước thống nhất và bước vào chặng đường xây dựng lại đất nước trong muôn vàn khó khăn. Ở bên ngoài là thế bao vây cấm vận, bên trong là những tồn tại sau cuộc chiến tranh, sản xuất nông nghiệp là chủ yếu nhưng quy mô nhỏ, lạc hậu, phụ thuộc vào viện trợ nước ngoài. Để có thể bảo vệ nền độc lập dân tộc, nhận được sự tôn trọng của cộng đồng quốc tế, Việt Nam bắt buộc phải tìm con đường đổi mới, từng bước định vị hình ảnh của mình là một quốc gia có nền kinh tế liên tục tăng trưởng, đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện cả vật chất lẫn tinh thần.

Toàn cảnh khu vực hồ Suối Cam, thành phố Đồng Xoài - Ảnh: Phú Quý

Bình Phước đang là điểm đến tin cậy của nhiều doanh nghiệp nước ngoài. Trong ảnh: Khu công nghiệp Minh Hưng - Hàn Quốc - Ảnh: Phú Quý

Đã hơn 37 năm đổi mới, từ một nước phải nhận viện trợ lương thực, Việt Nam đã trở thành quốc gia xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới với nhiều mặt hàng “tỷ đô”. Những thành tựu phát triển đã tạo ra những thay đổi về chất trong thế và lực của đất nước, từ đó vị thế, uy tín quốc tế của Việt Nam không ngừng được nâng lên.

Công nhân Công ty Lisheng Việt Nam Electronis, tại Khu công nghiệp Minh Hưng - Hàn Quốc trong giờ làm việc - Ảnh: Phú Quý

Đó là kết quả của sự lựa chọn phù hợp với thực tiễn. Trong điều kiện thế và lực còn yếu, Việt Nam phải ưu tiên lựa chọn kinh tế trước. Học thuyết chủ nghĩa Mác-Lênin khẳng định: vật chất quyết định ý thức. Với nền tảng kinh tế vững vàng, mới có thể sáng tạo văn hóa và đủ điều kiện bảo tồn văn hóa. Nhận thức này được Đảng ta nhấn mạnh: “Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa dựa trên nền tảng của khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Quá trình này tạo ra cơ sở vật chất kỹ thuật làm thay đổi những điều kiện kinh tế cũng như tạo ra cơ sở và môi trường xã hội để thay đổi tư duy, nếp nghĩ, thay đổi thói quen, lối sống... của từng cá nhân và cả cộng đồng xã hội”. 

Hội nghị văn hóa - mở đường cho phát triển  văn hóa, con người

Đối với tỉnh Bình Phước, sau 27 năm tái lập, tỉnh mới tổ chức hội nghị văn hóa lần đầu tiên. Với những người trong cuộc như nhà văn Bùi Thị Biên Linh, hội viên Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Bình Phước, đây là sự lựa chọn phù hợp với hoàn cảnh của tỉnh. “Những năm đầu mới tách tỉnh, sự quan tâm đến văn hóa, nghệ thuật của tỉnh ta còn khá khiêm tốn. Đó là do đặc thù của tỉnh mới tách còn bộn bề công việc, còn nhiều vấn đề lớn lao hơn cần quan tâm và ưu tiên đầu tư tức thời. Tuy nhiên, tình hình ngày càng được cải thiện. Đặc biệt là năm 2023, với việc tổ chức hội nghị chuyên đề về văn hóa, đã khẳng định sự quan tâm sâu sắc của tỉnh đến lĩnh vực văn hóa, mở ra thời kỳ mới đối với nền văn học, nghệ thuật của tỉnh nói chung, định hướng sáng tác và cổ vũ cho nhiệt huyết của giới văn nghệ sĩ nói riêng” - nhà văn Biên Linh chia sẻ.

Hội nghị Văn hóa tỉnh Bình Phước diễn ra vào tháng 8-2023 với sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu trong cả nước đã góp những ý kiến, luận cứ khoa học, cùng những bài học thực tiễn để định hướng phát triển văn hóa, con người Bình Phước. Đó là những căn cứ để đưa ra giải pháp và xây dựng, phát triển văn hóa, con người Bình Phước; giúp nhân dân trên địa bàn tỉnh nhận thức đầy đủ về vai trò, vị trí của văn hóa trong quá trình phát triển. Từ đó khẳng định văn hóa là nguồn lực, động lực để phát triển và đề ra những nhiệm vụ, giải pháp cho lĩnh vực này trong tình hình mới.

Tác giả: BPO (dẫn nguồn)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

lịch làm viec
tai lieu sinh hoat cb
Tài liệu chỉ thị 05
Sổ tay đảng viên điện tử
Fanpage Tuyên Giáo BP
OAZALO
hien ke BP
Văn bản mới

112-HD/BTGTU

Hướng dẫn tuyên truyền kỷ niệm 120 năm Ngày sinh đồng chí Trần Phú, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (01/5/1904-01/5/2024)

lượt xem: 146 | lượt tải:103

111-HD/BTGTU

Hướng dẫn tuyên truyền kỷ niệm 70 năm Ngày ký Hiệp định Giơnevơ về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam (21/7/1954-21/7/2024)

lượt xem: 378 | lượt tải:219

109-HD/BTGTU

Hướng dẫn tuyên truyền kỷ niệm 49 năm Ngày giải phóng tỉnh Bình Phước (23/3/1975-23/3/2024)

lượt xem: 249 | lượt tải:121
Lịch su đang bo BP
DIA CHI
lich su tuyen giao
Thống kê
  • Đang truy cập72
  • Hôm nay19,975
  • Tổng lượt truy cập9,061,812
Liên kết
QC_csln
qc_cspr
QC_csdp
QC_CSSB
QC_BHXH
Cty dien luc
QC-thue
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây