Quan tâm, bảo tồn, phát huy các giá trị di tích lịch sử – văn hóa trên địa bàn tỉnh
Minh An
2023-12-20T04:01:29-05:00
2023-12-20T04:01:29-05:00
https://tuyengiaobinhphuoc.org.vn/van-hoa-van-nghe-31/quan-tam-bao-ton-phat-huy-cac-gia-tri-di-tich-lich-su-van-hoa-tren-dia-ban-tinh-2284.html
https://tuyengiaobinhphuoc.org.vn/uploads/news/2023_12/image-20231214115022-1.jpeg
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Phước
https://tuyengiaobinhphuoc.org.vn/uploads/logo-btg.png
Bình Phước là nơi hội tụ và sinh sống của 41 dân tộc anh em, trong đó dân tộc S’tiêng, M’nông, Khmer... là những cư dân có lịch sử cư trú lâu đời. Là một tỉnh có nhiều di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, đây là một tài sản quý giá góp phần làm giàu thêm kho tàng di sản văn hóa ở địa phương cũng như mở rộng phát triển du lịch.
Các lễ hội truyền thống như: Lễ hội Cầu bông của người Kinh; lễ hội Miếu Bà Rá ở Phước Long; lễ Cầu mưa; lễ hội Mừng lúa mới của người S’tiêng, M’nông… Nghề thủ công truyền thống và tri thức dân gian như: chế biến rượu cần; đan lát, dệt thổ cẩm… Các cấp ủy đảng, chính quyên các cấp luôn quan tâm, gìn giữ, bảo tồn, tu bổ và phát huy di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh nhằm lưu giữ và phát huy các giá trị lịch sử - văn hóa.
Một số sản phẩm truyền thống của nghề đan gùi của đồng bào S' tiêng
Để nâng cao công tác giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử-văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh, từ tháng 8-2017, Tỉnh ủy Bình Phước đã có Chỉ thị số 26-CT/TU ngày 14-8-2017 về việc tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở chỉ thị này, Bình Phước đã có nhiều chuyển biến trong công tác tôn tạo, tu bổ các di tích lịch sử, huy động được nhiều nguồn lực, có nhiều mô hình hay, sáng tạo trong tuyên truyền, giáo dục truyền thống từ các di tích lịch sử, văn hóa. Công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích văn hóa, lịch sử trên địa bàn tỉnh được quan tâm, nhất là việc huy động nguồn lực tham gia của xã hội, nhiều di tích lịch sử, văn hóa được bảo quản, tu bổ, phục hồi. Hiện nay, toàn tỉnh có 45 di tích lịch sử - văn hóa được xếp hạng, trong đó có 5 di tích quốc gia đặc biệt, 12 di tích quốc gia, 28 di tích cấp tỉnh; 1 di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận đó là đờn ca tài tử Nam Bộ, có 6 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, 25 di sản phi vật thể cấp tỉnh. Các bảo tàng trên địa bàn tỉnh đang lưu giữ, quản lý 15.360 hiện vật, đặc biệt có bảo vật quốc gia là bộ đàn đá Lộc Hòa. Các di tích được xếp hạng đều có giá trị tiêu biểu về lịch sử - văn hóa, cảnh quan, địa chất, địa mạo phục vụ khách tham quan, góp phần quan trọng trong việc giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc. Đồng thời thúc đẩy hoạt động du lịch, góp phần phát triển kinh tế xã hội và nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân trên địa bàn tỉnh.
Việc xếp hạng di tích trên địa bàn tỉnh có nhiều lợi thế để phát triển ngành du lịch trên địa bàn tỉnh thời gian tới. Để làm tốt công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh, thời gian tới, cần tăng cường tuyên truyền cho nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ, học sinh, sinh viên hiểu được giá trị to lớn của các di sản văn hóa phi vật thể, nhất là những di sản đã được công nhận. Chỉ khi người dân hiểu và thấy được quyền lợi, trách nhiệm của cá nhân, gia đình và cộng đồng dân cư thì họ sẽ cùng tham gia trao truyền, bảo tồn, lưu giữ và phát huy được giá trị của di sản. Đồng thời, ban hành chính sách về bố trí, sử dụng nguồn lực và quản lý, bảo tồn, lưu giữ, trao truyền và phát huy giá trị di sản trên địa bàn tỉnh. Đồng thời bố trí nguồn kinh phí để đẩy nhanh việc nghiên cứu, phục dựng các lễ hội truyền thống, nghề thủ công có giá trị, các làn điệu dân ca, dân vũ tiêu biểu của các dân tộc, tránh để ngày càng khó vì những nhân chứng hiểu biết không còn. Thực hiện số hóa các di tích, danh lam thắng cảnh, các di sản văn hóa của tỉnh. Các cấp ủy đảng và chính quyền địa phương cần nâng cao trách nhiệm trong việc phát hiện, quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản... Tạo điều kiện và khuyến khích việc xây dựng sản phẩm du lịch từ các di sản văn hóa để thu hút du khách, góp phần phát triển du lịch địa phương.