Bù Gia Mập là huyện miền núi, biên giớí của tỉnh Bình Phước, chính thức đi vào hoạt động từ ngày 01/11/2009 theo Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 11/8/2009 của Chính phủ. Đến ngày 01/8/2015, sau khi chia tách huyện Phú Riềng, diện tích đất tự nhiên của huyện Bù Gia Mập là 106.428 ha, với dân số 79.733 người, có 22 thành phần dân tộc cùng sinh sống, với dân số 29.203 người, chiếm 36,62% dân số toàn huyện. Các dân tộc đều có bản sắc văn hóa riêng, đồng thời do sự hội tụ, giao lưu văn hóa giữa các dân tộc với nhau đã tạo nên đời sống văn hóa tinh thần đa dạng và phong phú. Điều đó đã góp phần tạo nên sự thống nhất, đa dạng của nền văn hoá cả nước nói chung và của huyện nói riêng. Mặt khác, huyện Bù Gia Mập vốn là vùng căn cứ địa cách mạng, đã tạo nên lợi thế vừa phát huy truyền thống cách mạng của địa phương, vừa phát huy các mặt thuận lợi khác trong giai đoạn cách mạng mới để xây dựng và phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, kết hợp với phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh của huyện.
Các đại biểu tham dự Khởi công xây dựng nhà văn hóa ở Bù Gia Mập (Ảnh: Bùi Liêm)
Các loại hình văn hóa truyền thống đặc sắc, tiêu biểu của đồng bào các dân tộc trên địa bàn đang được bảo tồn và phát huy như: có 02 câu lạc bộ văn nghệ: trong đó 01 câu lạc bộ văn nghệ dân gia dân tộc Stiêng tại xã Phú Nghĩa; 01 câu lạc bộ Đờn ca tài tử tại xã Phú Văn, 02 Câu lạc bộ này nhiều lần tham gia các hoạt động nghệ thuật trong và ngoài tỉnh tích cực tham gia các hoạt động biểu diễn, giao lưu, góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc. Ngành Văn hóa của huyện đã tham gia 11 đợt Liên hoan, hội thi, hội diễn văn hóa cấp tỉnh cùng với hơn 200 hạt nhân văn hóa, văn nghệ tham gia. Các đợt tổ chức liên hoan văn hóa, văn nghệ đều thu hút đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân tham gia. Bên cạnh đó, hàng năm vào dịp tết Nguyên đán 100% các xã trên địa bàn huyện tổ chức các Chương trình Lễ hội, các hoạt động Văn hóa, văn nghệ. Thông qua đó các các loại hình nghệ thuật, văn hóa dân gian được chú trọng khôi phục đáp ứng nhu cầu hưởng thụ và tham gia các hoạt động văn hóa của các tầng lớp nhân dân.
Huyện đã tổ chức các đợt triển lãm nhiếp ảnh, sách, báo, tài liệu, hiện vật được tổ chức nhằm phục vụ nhiệm vụ chính trị của huyện như triển lãm ảnh, hiện vật; triển lãm nhiếp ảnh, sách, báo, tài liệu nhân kỷ niệm 10 năm thành lập huyện Bù Gia Mập... Số lượng họa sĩ, nghệ sỹ nhiếp ảnh cũng như các hoạt động về mỹ thuật, nhiếp ảnh tăng dần qua các năm trước; tham gia hưởng ứng, gửi tác phẩm dự thi các cuộc thi, liên hoan như Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam; cuộc thi cuộc thi thiết kế mẫu sản phẩm lưu niệm văn hóa - du lịch; cuộc thi ảnh đẹp du lịch; cuộc thi sáng tác ảnh, biểu trưng (logo)...của tỉnh nhà và các tổ chức trong cả nước… Nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật được tổ chức ngày càng đa dạng và phong phú cả nội dung và hình thức, được thể hiện qua các đợt tham gia các hội thi, hội diễn, liên hoan văn hóa, nghệ thuật cấp tỉnh, các đợt liên hoan, hội thi do cấp huyện tổ chức ngày càng nhiều người dân hưởng ứng và tham gia, góp phần phục vụ hiệu quả nhiệm vụ chính trị ở địa phương, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh.
Nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng trong việc xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, trong đó có văn học, nghệ thuật, Huyện Bù Gia Mập triển khai thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ và các nhóm giải pháp mà nghị quyết đã đề ra; đã có sự chuyển biến tích cực, tạo tiền đề cho việc phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh của địa phương. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng lên; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Môi trường văn hóa có sự cải thiện tích cực. Bản sắc văn hóa dân tộc ở địa phương nhìn chung được gìn giữ và phát huy; đã hạn chế và ngăn chặn được những hủ tục lạc hậu, các tệ nạn như ma tuý, mại dâm, những hành vi gây mất trật tự xã hội. Việc tôn tạo các di tích lịch sử, các danh lam thắng cảnh, giáo dục tuyên truyền yêu nước, lịch sử truyền thống cách mạng của địa phương được chú ý. Qua đó củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng, nhận thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về văn hóa có những chuyển biến tích cực, ra sức thi đua thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của Đảng bộ huyện đã đề ra.
Công tác chỉ đạo nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và công tác đấu tranh chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại, lai căng, đấu tranh chống quan điểm sai trái trong văn học, nghệ thuật được thực hiện chặt chẽ, UBND huyện đã chỉ đạo các ngành chức năng thường xuyên tuyên truyền các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của nhà nước về lĩnh vực văn hóa, văn học, nghệ thuật, nâng cao hiệu lực quản lý các hoạt động văn hóa qua việc chỉ đạo thành lập, kiện toàn, ban hành quy chế hoạt động của Đội kiểm tra liên ngành văn hóa - xã hội; tổ chức các đợt kiểm tra định kỳ, đột xuất các hoạt động văn hóa và kinh doanh các sản phẩm văn hóa. Qua đó, cơ quan chuyên môn: Phòng Văn hóa - Thông tin huyện cùng với Đội kiểm tra liên ngành văn hóa - xã hội huyện và UBND các xã, thị trấn đã tổ chức kiểm tra định kỳ và đột xuất các cơ sở kinh doanh lĩnh vực văn hóa, dịch vụ kinh doanh, quảng cáo băng đĩa, xuất bản phẩm văn hóa thu giữ và tiêu hủy các ấn phẩm văn hóa phát hành in ấn, sao chép lậu không có nguồn gốc và có nội dung không lành mạnh, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục và giá trị đạo đức người Việt Nam.
Với những kết quả đạt được, các cấp ủy Đảng, chính quyền và Nhân dân luôn gắn bó, khối đại đoàn kết toàn dân tộc không ngừng được phát huy và tăng cường; đặc biệt là công tác phối hợp chặt chẽ thực hiện tốt việc xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trên địa bàn huyện.